Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, chiếm gần 10 triệu ca tử vong vào năm 2020, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tại Việt Nam, ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt ung thư dạ dày, đại tràng, thuộc nhóm bệnh lý ác tính phổ biến, PGS.TS Đào Việt Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Nội soi Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Phó Tổng thư ký Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam, nhận định.
Theo Thống kê của Tổ chức Ung thư Thế giới (Globacan 2020), mỗi năm Việt Nam ghi nhận thêm hơn 17.000 người ung thư dạ dày, 14.000 người ung thư đại tràng, 3.200 người ung thư thực quản. Số ca ung thư phát hiện sớm rất ít, đa phần phát hiện muộn. Ở nhóm người dưới 40 tuổi, tỷ lệ mắc ung thư đại tràng gần 30%, thường xuất phát từ các tổn thương polyp và u tuyến. Đối với ung thư dạ dày, yếu tố gia đình, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là những nguyên nhân quan trọng gây bệnh. Ghi nhận tại các bệnh viện cho thấy ngày càng nhiều người dưới 50 tuổi ung thư dạ dày, trong khi trước đây thường gặp chủ yếu là ở nhóm trên 60 tuổi.
Lý giải nguyên nhân bệnh ngày càng trẻ hóa, bác sĩ Hằng nhận định người dân đã có ý thức tầm soát hơn. Các chương trình tư vấn của ngành y tế cũng góp phần giúp người bệnh tiếp cận thông tin chủ động, đặc biệt ở nhóm có tiền sử gia đình. Do đó, nhiều trường hợp ung thư được phát hiện khi còn rất trẻ tuổi.
Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ nội soi và các phương pháp tầm soát không xâm lấn như nội soi tăng cường hình ảnh, ứng dụng AI trong nội soi phát hiện tổn thương tốt hơn, sớm hơn; các xét nghiệm như tìm hồng cầu ẩn trong phân giúp sàng lọc nhóm nguy cơ cao.
Cùng quan điểm, bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K Trung ương, nói nhiều loại ung thư chưa tìm được nguyên nhân chính xác song các nghiên cứu cho thấy nhiều yếu tố phối hợp gây nên, như lối sống, môi trường, thói quen, tuổi tác, di truyền, nhất là với ung thư đường tiêu hóa.
Theo ông Nam, có ba tác nhân gây ung thư chính gồm tác nhân vật lý (tia bức xạ, ánh nắng mặt trời); tác nhân hóa học (như phẩm nhuộm); tác nhân sinh học (vi khuẩn HP, viêm gan B) có trong bia rượu, đồ ăn uống. Lối sống lười vận động, ngồi văn phòng, lệ thuộc máy tính, điện thoại, đi ngủ muộn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Chế độ ăn uống không lành mạnh ít rau quả, nhiều đạm, nhiều muối.
Chẳng hạn, khẩu phần ăn ít rau quả, quá nhiều đạm mỡ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng và nhiều ung thư khác. Ăn nhiều dưa muối chứa nitrat, nitrit dễ gây ung thư thực quản, dạ dày. Ăn thực phẩm mốc chứa aflatoxin tăng nguy cơ ung thư gan.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng dùng đồ ăn vặt hoặc thực phẩm chế biến sẵn có thể gây ung thư đại tràng. Phân tích của Singapore cho thấy methylglyoxal, hợp chất giải phóng khi cơ thể phân hủy thức ăn chứa đường và chất béo có thể ảnh hưởng đến một gene chống lại khối u, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư. Nghiên cứu năm 2023 trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng cũng phát hiện mối liên hệ giữa việc tiêu hóa thực phẩm chế biến sẵn và một số loại ung thư.
Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lạm dụng chất kích thích cũng là yếu tố nguy cơ khiến tỷ lệ người mắc bệnh ngày càng nhiều. Bộ Y tế ước tính Việt Nam có 16 triệu người trưởng thành hút thuốc. Mỗi năm ghi nhận hơn 100.000 ca tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, cao gấp 10 lần so với tử vong do tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, không có "công thức chung" cho bệnh ung thư vì các yếu tố gây bệnh ở mỗi người là khác nhau và nằm ngoài tầm kiểm soát. Điều này giải thích vì sao một số người hút thuốc không mắc ung thư, còn người có lối sống lành mạnh vẫn bị bệnh, bác sĩ Nam nói.

Bác sĩ nội soi kiểm tra sức khỏe cho người bệnh. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Để phòng ngừa, người trẻ cần có lối sống lành mạnh, tăng cường vận động và dinh dưỡng cân bằng. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá cũng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh. Tránh ăn nhiều mỡ, gia vị hay thức ăn bị mốc; tăng cường hoa quả, rau và các loại vitamin. Tiêm vaccine ngừa một số bệnh nhiễm trùng như viêm gan B, C và tiêm phòng HPV ngừa ung thư cổ tử cung.
Nếu có người thân mắc ung thư, bạn nên tầm soát sớm, đặc biệt từ sau tuổi 30. Theo bác sĩ Hằng, tầm soát bằng nội soi giúp quan sát trực tiếp tổn thương, đánh giá chính xác mức độ ác tính, mức độ xâm lấn tại chỗ, giúp lấy mảnh sinh thiết để chẩn đoán xác định bằng mô bệnh học.
Hiện tại nhiều phương pháp không xâm lấn khác cũng có một số vai trò nhất định trong tầm soát ung thư đường tiêu hóa như sử dụng test tìm hồng cầu ẩn trong phân, các dấu ấn sinh học ung thư (CEA, CA199, CA724, pepsinogen).
Thùy An