148 bệnh nhân nói trên bao gồm 20 công nhân Công ty may Thái Dương, nghi ngộ độc sau ăn bánh mì Hồng Ngọc 12, hôm 6/8. Từ đó đến chiều 12/3, nhiều người dân lần lượt nhập viện với triệu chứng tương tự.

Trưa 7/8, tiệm bánh mì Hồng Ngọc 12 bị tạm đình chỉ hoạt động.

dsc02870-jpg-1723527848-7132-1723527857.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nTcMwESdGaKAEK-K_Iad1w

Một bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp. Ảnh: Ngọc Tài

Ngày 13/8, ông Võ Minh Phục, Trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, cho biết sau 5 ngày tiệm bánh mì bị đình chỉ, có thêm 2 ca nhập viện với triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm.

Đa số người bệnh đều ăn bánh mì Hồng Ngọc 12. Khi có biểu hiện bệnh, nhiều người đã tự mua thuốc hoặc điều trị ở cơ sở tư nhân bên ngoài, đến khi thấy nặng mới nhập viện.

Ông Dương Ân Hận, Phó giám đốc phụ trách CDC Đồng Tháp, cho biết khi điều tra về ngộ độc thực phẩm phải dựa vào rất nhiều yếu tố để so sánh, kết quả kiểm nghiệm thực phẩm, bệnh phẩm. Ngoài ra, tùy thể trạng mỗi người sẽ biểu hiện triệu chứng hoặc không.

"Khi có kết quả chính xác, ngành chức năng mới khẳng định nguyên nhân", ông nói, thêm rằng kết quả soi phân tươi có 13/19 mẫu nhiễm khuẩn Salmonella. Riêng kết quả kiểm nghiệm thực phẩm sẽ có trong ngày 15/8.

"Nếu tiệm bánh mì có vi phạm chúng tôi sẽ xử lý nghiêm", lãnh đạo chi cục khẳng định.

Salmonella là vi khuẩn Gram âm, thuộc họ vi khuẩn đường ruột (Enterobacteriaceae), phân bố rộng rãi ở động vật nuôi (gia cầm, gia súc và các loại vật nuôi khác như chó, mèo,...). Vi khuẩn này phát triển trong khoảng 15-45 độ C, tối ưu ở 37 độ C, và thường bị tiêu diệt ở 70 độ C trở lên.

So với Ecoli, ngộ độc do Salmonella gây triệu chứng nặng, nguy hiểm hơn. Ngộ độc thực phẩm do Salmonella có thể xuất hiện một ngày sau tiêu thụ món ăn bị nhiễm khuẩn, cũng có trường hợp sau 4-5 ngày.

dsc02875-jpg-1723527837-9595-1723527857.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=iaskEaxSrdHWfssafSUrPg

Anh Nguyễn Trọng Nghĩa đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Ngọc Tài

Đang điều trị tại khoa nhiễm, Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp, anh Phan Quốc Trung, cho biết chiều 6/8 đã ăn bánh mì kẹp pate gan, chả lụa và dưa chua mua của tiệm Hồng Ngọc 12. Lúc ăn, anh không nhận thấy bánh mì có gì bất thường.

Tối cùng ngày, anh Trung bị đau bụng, sốt đến hôm sau thì tự mua thuốc uống, song không giảm. Sáng 8/8 anh nhập viện khi triệu chứng nặng hơn, đi ngoài hơn 30 lần.

Chiều 9/8, gia đình bệnh nhân này xin chuyển lên tuyến trên do bệnh nặng. "Mắt đỏ ngầu do sốt, ói và đi ngoài không ngừng", mẹ Trung kể. Hiện sức khỏe của bệnh nhân tạm ổn, chuẩn bị xuất viện.

Cùng phòng bệnh, anh Nguyễn Trọng Nghĩa, 21 tuổi, là một trong 30 người của Công ty may Thái Dương dùng bánh mì tối 6/8. Nghĩa nhớ lúc ăn bánh mì vẫn còn nóng, không có mùi vị lạ.

Vài giờ sau, anh có cảm giác đau bụng song vẫn ráng làm việc. Đến hôm sau, Nghĩa cùng nhiều đồng nghiệp trong tổ phải nhập viện khi liên tục nôn, đi ngoài.

Lo lắng tình trạng của con, bà Võ Thị Kim Hạnh, xin được chuyển Nghĩa lên tuyến trên, tối 8/8. "Chưa bao giờ thấy con bệnh nặng đến vậy. Ăn uống gì đều ói hết ra. Nay thì đỡ hơn rồi", bà Hạnh cho biết.

Hiện còn gần 100 bệnh nhân điều trị, sức khỏe ổn định.

Ngọc Tài

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022