Một số quốc gia trên thế giới đang trải qua mùa cúm được các chuyên gia đánh giá là bất thường, với tỷ lệ dương tính và nhập viện cao đột biến. Nhiều cơ sở y tế quá tải vì ca bệnh nặng. Điều này hoàn toàn khác với mùa cúm các năm gần đây.

Tại Mỹ, kể từ 23/1 đến ngày 1/2, cứ 100.000 người Mỹ có 14,4 người nhập viện do cúm, cao hơn tỷ lệ nhập viện do Covid-19 trong đỉnh điểm làn sóng Delta tháng 9/2021, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

Nhật Bản, số ca cúm trung bình đạt mức cao kỷ lục kể từ năm 1999. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi báo cáo khoảng 317.000 ca dương tính tại 5.000 cơ sở y tế trên cả nước chỉ trong một tuần. Con số tương đương trung bình 64,39 bệnh nhân trên cơ sở, cao gấp đôi ngưỡng cảnh báo là 30. Tính lũy kế số ca mắc cúm tại Nhật Bản tính từ 2/9/2024 (thời điểm bắt đầu dịch cúm hàng năm) đến nay là hơn 6 triệu ca.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến đợt dịch lần này trở nên căng thẳng.

Tiến sĩ, bác sĩ Joseph Khabbaza, chuyên khoa phổi chăm sóc đặc biệt tại Cleveland Clinic, nhận định mùa cúm năm 2025 ở Mỹ và Canada dài hơn so với bình thường. Tại hai nước này, virus hoạt động vào khoảng tháng 1 và đạt đỉnh trong tháng 1 hoặc tháng 2. Tuy nhiên, đợt dịch gần đây bắt đầu muộn. Các ca bệnh tăng mạnh vào tháng 12, giảm nhẹ, sau đó tăng trở lại sau kỳ nghỉ lễ, khi trẻ em trở lại trường học. Theo tiến sĩ Khabbaza, điều này có thể khiến dịch lây lan nhiều và mạnh hơn.

"Mùa cúm năm nay kỳ lạ chính vì hiện tượng đỉnh dịch kép này", ông nói.

Bên cạnh đó, giới chức Mỹ ghi nhận hai chủng cúm lưu hành đồng thời vào tháng cuối năm 2024 và đầu 2025, là H3N2 và H1N1. Thông thường, một chủng sẽ chiếm ưu thế trong cả mùa dịch. Tuy nhiên, trong năm nay, cả hai chủng có mức độ lây nhiễm và tồn tại trong mẫu bệnh phẩm ngang nhau. H3N2 độc hơn H1N1 và có khả năng gây biến chứng nặng ở nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người có bệnh nền suy giảm miễn dịch.

Vaccine cúm của Mỹ phiên bản năm 2024-2025 có thể bảo vệ người dùng trước ba chủng virus: H3N2, H1N1 và cúm B. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng trong mùa này rất thấp. Theo ước tính của CDC, có khoảng 46% người lớn và trẻ em ở Mỹ tiêm vaccine cúm mùa. Tỷ lệ tiêm chủng giảm đều đặn hàng năm sau đại dịch Covi-19, đặc biệt ở nhóm tuổi đang đi học.

"Tình trạng chung chúng tôi quan sát được là các bệnh nhân cúm nặng đều không tiêm vaccine", tiến sĩ Linda Yancey, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Hệ thống Y tế Memorial Hermann ở Houston, cho biết.

Canada cũng ghi nhận thực tế này. Dawn Bowdish, giáo sư y khoa Đại học McMaster của Hamilton, cho biết Canada chưa đạt được mục tiêu tiêm chủng mùa đông 2024. Có thể đợt tiêm vaccine mùa thu giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh của người dân trong đợt dịch lần này. Tuy nhiên, khi đỉnh dịch đến muộn, miễn dịch từ vaccine đã suy yếu, số ca nhập viện tăng lên. Trên toàn quốc, độ bao phủ của vaccine cúm trong giai đoạn 2023-2024 là 42%, gần bằng mùa trước.

Thực tế, cúm là loại virus đột biến nhanh, khiến khả năng miễn dịch của cộng đồng giảm theo thời gian. Miễn dịch của người dân vốn đã yếu đi sau giai đoạn phong tỏa và giãn cách xã hội phòng chống đại dịch Covid-19.

1ba66101d29f4422aae331b31ebff2-4049-2360-1739780395.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AxK5Q71--ywbTmBJL3n90A

Người dân trên đeo khẩu trang khi đi bộ tại tỉnh Fukuoka, Nhật Bản, ngày 9/1. Ảnh: VCG

Trong khi đó, Nhật Bảnsở hữu một số yếu tố đặc thù có thể khiến mùa cúm trở nên nghiêm trọng. Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, hiện quốc gia có 36,25 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 29% dân số. Tình trạng dân số già đi kèm bệnh nền khiến các ca mắc cúm dễ chuyển nặng hơn. Bệnh viện Đại học St. Marianna ở Kawasaki tiếp nhận trường hợp bệnh nhân ngoài 60 tuổi được chẩn đoán mắc cúm và cuối năm ngoái. Bà được chuyển đến viện trong tình trạng viêm phổi nặng và có một số bệnh mạn tính. Bệnh nhân khác là nam giới, ngoài 50 tuổi cũng gặp tình trạng tương tự.

"Chúng tôi hiện có 170 bệnh nhân. Trong đại dịch Covid-19, chỉ có 70 đến 80 bệnh nhân. Đây là một cuộc khủng hoảng", một đại diện Bệnh viện Đại học St. Marianna cho biết.

Bệnh viện đã phải đưa ra quyết định khó khăn là từ chối tạm thời các bệnh nhân không trong tình trạng nguy kịch. Bước đi quyết liệt này chỉ được thực hiện một lần trước đây, vào thời đỉnh điểm của dịch Covid-19. Tùy vào cách dịch lây lan, khoa cấp cứu có khả năng sụp đổ vì khó tìm ra được giường bệnh trống.

Bên cạnh đó, đất nước đang phải vật lộn giữa ba loại bệnh truyền nhiễm lây lan cùng lúc. Các phòng khám ở Tokyo ghi nhận ca dương tính Covid-19, cúm và viêm phổi do mycoplasma. Số lượng bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi do mycoplasma trong giai đoạn này cũng ở mức cao nhất trong 10 năm.

Mycoplasma là loại vi khuẩn gây nên dịch viêm phổi, có khả năng kháng thuốc kháng sinh. Vi khuẩn nhắm vào những vị trí riêng biệt trong cơ thể, gồm đường hô hấp, đường tiết niệu và đường sinh dục. Nó gây bệnh bằng cách làm tổn thương niêm mạc hệ hô hấp (cổ họng, phổi, khí quản). Mycoplasma thường lây truyền thông qua những giọt khí dung lan truyền trong không khí, sau khi người bệnh hắt hơi. Bệnh cũng lây nhiễm qua đường tình dục.

Các chuyên gia tin rằng đợt bùng phát ba bệnh truyền nhiễm, cộng với viêm dạ dày và ruột trong giai đoạn trước đó (cuối năm 2024) đã tạo nên "công thức thảm họa".

Khi các bệnh đường hô hấp lây lan mạnh, bệnh viện và cửa hàng thuốc tại Nhật Bản gặp tình trạng thiếu thuốc cúm. Khảo sát cho thấy một số cơ sở y tế tích trữ thuốc quá mức, khiến hàng tồn kho được phân bổ không đồng đều.

Hãng dược phẩm lớn của Nhật Bản Sawai Pharmaceutical và Chugai Pharmaceutical thông báo sẽ tạm ngừng cung cấp thuốc trị cúm Tamiflu và phiên bản chung của loại thuốc này do khó lòng đáp ứng nhu cầu tăng nhanh. Điều này khiến các bệnh nhân không thể tự điều trị tại nhà, phải đổ xô đến viện khám, gây tình trạng quá tải.

1d4d54e0ecae52f00bbf-8842-1739781907.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zFh5IrH6btzQGof7fiGCJw

Trưa 11/2, nhiều người dân tranh thủ thời gian nghỉ trưa đến Trung tâm tiêm chủng trên đường Thái Hà để tiêm cúm. Bác sĩ Nguyễn Thu Thảo cho biết riêng cơ sở này mỗi ngày tiếp nhận khoảng 400-500 lượt khách, trong đó 90% là tiêm vaccine cúm. Nhiều bệnh nhân cũng đến tiêm cúm kết hợp với các loại vaccine khác như phế cầu, ung thư cổ tử cung. Ảnh: Giang Huy

Ngoài yếu tố đặc thù của từng quốc gia, Chen Huamei, phó giám đốc khoa Hô hấp và Chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Trung ương Trường Sa, Trung Quốc nhận định, bản thân virus cúm cũng rất nguy hiểm. Cúm và cảm lạnh có triệu chứng gần giống, nhưng mức độ nguy hiểm hoàn toàn khác nhau. Virus cúm có khả năng gây ra hàng loạt biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Đặc biệt, những người cao tuổi có bệnh lý nền dễ gặp hiện tượng bão cytokine - tình trạng hệ miễn dịch hoạt động thái quá, quay lại tấn công các mô khỏe mạnh và gây suy đa tạng.

Virus cúm xâm nhập trực tiếp vào phổi dẫn đến viêm do vi khuẩn, bệnh nhân có thể bị ho dữ dội, khó thở nghiêm trọng, sốt dai dẳng hoặc tái phát.

"Bệnh nhân viêm phổi cần sử dụng máy thở để hỗ trợ hô hấp. Tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân được đưa vào khoa hồi sức tích cực do viêm phổi nặng có thể lên tới 30-40%", giáo sư Huamei nói.

Trên thực tế, điều này đang diễn ra tại Việt Nam, khi các bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp nặng do nhiễm cúm A/H3N2. TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM cho biết đây là chủng cúm A độc lực cao, thường liên quan đến bệnh cảnh nặng hơn, đặc biệt ở người cao tuổi. Điều này góp phần tạo nên đặc trưng của dịch cúm A năm nay tại Việt Nam, với dấu hiệu những ca bị trắng phổi trên phim chụp Xquang. Thông thường, các ca cúm ít khi gây tình trạng trắng phổi.

Thục Linh (Theo Today, CNN, NHK)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022