Thông tin được TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng, nguyên trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115, chia sẻ tại triển lãm Đường ruột phiêu lưu ký do Chi Hội Dược TP HCM phối hợp tổ chức, cuối tuần qua.
Các thống kê cho thấy có đến 40% dân số thế giới bị các vấn đề mãn tính về đường tiêu hóa. Khoảng 62% dân số đang gặp phải các vấn đề liên quan đến sức khỏe tiêu hóa phổ biến như đau dạ dày, khó tiêu... Nhịp sống hiện đại căng thẳng, ăn uống thất thường, dùng thuốc kháng sinh... khiến hệ vi sinh đường ruột đang ngày càng mất cân bằng.
Theo bác sĩ Phượng, đường ruột là bộ não thứ hai, do đó ruột khỏe thì não và cơ thể khỏe mạnh, con người mới có thể ăn uống ngon miệng, ngủ ngon, tinh thần thoải mái, tăng sức đề kháng chống chọi bệnh tật... Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy hệ vi khuẩn chí đường ruột quyết định toàn bộ sức khỏe tổng thể của mỗi người.
Để cải thiện sức khỏe đường ruột, điều quan trọng đầu tiên là thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học. Chọn lọc các loại thức ăn có lợi, tiêu thụ nhiều chất xơ, uống nhiều nước, hạn chế các chất đường, chất quá béo... Để thức ăn được tiêu hóa tốt nhất, cần đảm bảo hệ vi khuẩn đường ruột, từ đó giúp niêm mạc ruột có thể hấp thu thức ăn.
Bên cạnh đó, phải chăm sóc sức khỏe tinh thần, bởi nếu căng thẳng, stress có thể gây ảnh hưởng lớn đến đường ruột. Ngoài ra, cần vận động thể lực thường xuyên để tạo điều kiện cho ruột co bóp tốt.
Cần đảm bảo cân bằng hệ men vi khuẩn chí, với 85% vi khuẩn có lợi và 15% vi khuẩn có hại. Nếu phá vỡ sự cân bằng này, đường ruột có nguy cơ hỏng. Việc lạm dụng các loại thuốc như kháng sinh, kháng viêm, giảm đau... cũng gây ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn này.

"Hầm mô phỏng đường ruột" ứng dụng công nghệ 360 độ LED tại triển lãm. Ảnh: Duy Phương
Bác sĩ Phượng khuyến cáo trong những giai đoạn có nhiều xáo trộn về chế độ ăn như đi công tác, du lịch, các đợt thi cử căng thẳng, công việc áp lực... có thể dùng men vi sinh theo chỉ định để bổ sung các lợi khuẩn, giúp ổn định hệ tiêu hóa, bảo vệ sức khỏe tổng thể.
Lê Phương