Những thông tin trên được nêu ra tại tọa đàm "Tạo đòn bẩy thị trường vốn để các công ty công nghệ Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên số". Các chuyên gia cho biết quy định hiện hành yêu cầu doanh nghiệp muốn IPO phải có lợi nhuận trong 2 năm liên tiếp và không có lỗ lũy kế. Đây là một trong những rào cản lớn nhất với các startup công nghệ vốn có chi phí đầu tư ban đầu cao.

Các chuyên gia tham gia tọa đàm "Tạo đòn bẩy thị trường vốn để các công ty công nghệ Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên số". Ảnh: TVS
Trong khi đó, các thị trường như Singapore và Hong Kong cho phép công ty công nghệ chưa có lợi nhuận nhưng có tiềm năng tăng trưởng được niêm yết. Thực tế, trong 10 năm qua, chỉ có khoảng 16 doanh nghiệp công nghệ IPO và niêm yết tại Việt Nam. Năm 2024, chỉ ghi nhận một thương vụ IPO quy mô nhỏ, chủ yếu trong lĩnh vực tài chính và chăm sóc sức khỏe. Trong top 30 doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam, FPT là đại diện duy nhất của ngành công nghệ.
Tiến sĩ Trần Văn, Viện trưởng IDS, cho rằng việc nới lỏng điều kiện IPO sẽ tạo cú hích cho các startup huy động vốn công khai, đầu tư vào AI, Big Data... mà không phải chịu áp lực lợi nhuận ngay tức thì. Điều này sẽ giúp thu hút dòng vốn ngoại nhờ có kênh thoái vốn rõ ràng, qua đó thúc đẩy phát triển công nghệ và tạo việc làm chất lượng cao.
Một trong những giải pháp quan trọng để hỗ trợ startup công nghệ IPO là triển khai cơ chế regulatory sandbox – cho phép doanh nghiệp thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới trong môi trường kiểm soát trước khi IPO. Singapore đã áp dụng thành công sandbox từ năm 2016, tạo điều kiện cho các công ty fintech và công nghệ tiếp cận thị trường vốn thuận lợi hơn.
Tại Việt Nam, hiện chưa có cơ chế sandbox cho các công ty công nghệ. Điều này khiến các startup gặp khó trong việc thử nghiệm và điều chỉnh mô hình kinh doanh trước khi IPO. Các chuyên gia nhận định, đây là công cụ quan trọng để doanh nghiệp có thể kiểm tra khả năng hoạt động thực tế của mô hình kinh doanh. Khi có sandbox, startup sẽ dễ dàng điều chỉnh chiến lược trước khi ra mắt chính thức trên thị trường chứng khoán.

Ông Bùi Thành Trung - Phó tổng giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán Thiên Việt (TVS). Ảnh: TVS
Một rào cản khác là hiện nay thị trường Việt Nam thiếu công cụ bảo hiểm rủi ro để hỗ trợ nhà đầu tư. Ông Bùi Thành Trung, Phó tổng giám đốc cấp cao tại Công ty cổ phần Chứng khoán Thiên Việt (TVS), cho biết giao dịch đầu tư vào một công ty thường kéo dài 5–7 năm. Trong khoảng thời gian này, nhà đầu tư đối mặt với nhiều rủi ro từ biến động thị trường và sự bất ổn của mô hình kinh doanh.
"Đưa vốn vào Việt Nam, ngoài rủi ro về lựa chọn công ty để đầu tư, các nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến công cụ bảo hiểm rủi ro tài chính mà thị trường sẽ cần phát triển để hỗ trợ họ", ông Trung chia sẻ.
Theo ông Trung, việc phát triển các trung tâm tài chính quốc tế (IFCs) tại TP.HCM và Đà Nẵng sẽ giúp thu hút vốn đầu tư. Khi IFCs đi vào vận hành, các công cụ bảo hiểm rủi ro tài chính sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi rót vốn vào thị trường Việt Nam.
Bên cạnh việc tháo gỡ rào cản chính sách và phát triển công cụ bảo hiểm, việc cải thiện xếp hạng thị trường chứng khoán Việt Nam cũng là yếu tố quan trọng để thu hút vốn dài hạn.
Theo phân loại của MSCI và FTSE, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện thuộc nhóm "cận biên" (Frontier). Việc thăng hạng lên mới nổi (Emerging Market) sẽ giúp thu hút dòng vốn ngoại từ các quỹ đầu tư lớn, tăng thanh khoản cho thị trường và mở rộng cơ hội IPO cho các doanh nghiệp công nghệ.
Tiếp nối những cải cách về hạ tầng và chính sách, ông Trung đánh giá, các động thái như không cần Pre-funding (ký quỹ trước giao dịch) và đưa hệ thống giao dịch mới KRX vào vận hành (dự kiến quý II năm nay), sẽ giúp tăng thanh khoản thị trường và thu hút thêm vốn đầu tư.
Các chuyên gia cũng nhận định, hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng vẫn đối mặt với nhiều rào cản về điều kiện IPO, cơ chế sandbox và công cụ bảo hiểm rủi ro. Việc hoàn thiện chính sách IPO, phát triển sandbox, các công cụ bảo hiểm tài chính, cùng với việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho các startup công nghệ tiếp cận thị trường vốn, qua đó thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ trong tương lai.
Minh Ngọc