Bệnh nhân nữ 60 tuổi ở Sóc Sơn, Hà Nội, nhập viện trong tình trạng mệt lả, chân tay bủn rủn, nôn mửa nhiều ngày không dứt. Bà được chuyển tuyến vào Trung tâm Chống độc, với chẩn đoán ngộ độc nước kiềm, nhiễm kiềm chuyển hóa, hạ kali, hồi giữa tháng 10.

Người bệnh chia sẻ bản thân mắc u tuyến giáp, tê bì tay chân, kèm nhiều bệnh dạ dày, tá tràng, đại tràng. Khi nghe hàng xóm truyền tai nhau về địa chỉ uống "nước chữa bách bệnh" gần nhà, bà tìm đến và xin được chữa trị. Thời điểm bà tham gia điều trị có khoảng 10 người, chủ yếu là người dân cùng xã.

Người phụ nữ cho biết thêm không cần trả chi phí điều trị, nước uống thoải mái. Máy lọc nước được chủ nhà quảng cáo nhập khẩu từ Nhật Bản, "ai có nhu cầu họ sẽ bán". Phác đồ điều trị là uống tối thiểu khoảng 5-6 lít nước mỗi ngày, không ăn bất cứ thực phẩm gì, liên tục trong khoảng hai tuần.

Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận chùm ca bệnh tương tự. Ba bệnh nhân suy thận, đang chạy thận nhân tạo chu kỳ ở Bệnh viện Đa khoa Lai Châu, bỏ điều trị, xuống Thanh Oai (Hà Nội) uống "nước" với cách thức giống với bệnh nhân ở Sóc Sơn.

"Ngày uống 6 lít nước, nhịn ăn hoàn toàn trong 15-20 ngày. Các bệnh nhân này chỉ uống khoảng 2-3 ngày, bắt đầu xuất hiện khó thở, hôn mê phải đưa đi cấp cứu", bác sĩ Trung tâm Chống độc cho hay.

Các bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu cấp cứu ngay khi tiếp nhận. Kết quả xét nghiệm lượng Urê, Kali và Creatinin trong máu tăng rất cao, trong đó Urê gấp 3 lần bình thường, Creatinin gấp 10-15 lần. Do được lọc máu kịp thời, họ thoát chết, trở lại lịch trình chạy thận nhân tạo chu kỳ để duy trì sức khỏe và cuộc sống.

1-jpeg-1728971201-3938-1728971221.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=L_ZAVZAYCWG6Qy9F1l9OkA

Một bệnh nhân bỏ chạy thận, uống "nước kiềm" chữa bệnh, hôn mê phải đặt nội khí quản, thở máy. Ảnh: Nguyên Hà

Ngày 15/10, TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết việc uống quá nhiều nước bình thường như nước lọc hay nước đun sôi để nguội trong một ngày, kể cả ở người khỏe mạnh đã rất nguy hiểm, có thể gây phù thũng, phù phổi, pha loãng máu, hạ natri máu, phù não, hôn mê, co giật và tử vong. Hầu hết người bệnh trên đều uống nước kiềm. Đơn cử, mẫu nước được người bệnh ở Sóc Sơn đưa đến khi xét nghiệm ra độ pH 7,5.

"Uống nhiều nước kiềm gây thừa nước, thay đổi pH của máu, nhiễm kiềm chuyển hóa, vô cùng nguy hiểm và phức tạp", bác sĩ Nguyên cho hay.

Ông Nguyên phân tích khi có thay đổi về pH của máu, cơ thể sẽ bị rối loạn và nhiều bệnh tật phát sinh theo. Theo đó, pH cơ thể bị tăng lên, rối loạn cảm giác, hôn mê, kali máu bị hạ dẫn tới có thể bị loạn nhịp tim, liệt, enzym bị giảm, thậm chí tử vong.

Người dân nghe và thực hiện theo những pháp đồ điều trị, lời tuyên truyền thiếu cơ sở khoa học rất nguy hiểm. Mọi người khi nghi ngờ có bệnh cần đến thăm khám ở cơ sở y tế.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022