Những tên tuổi lớn của môn thể thao này, chẳng hạn cựu đô vật Takakeisho, 28 tuổi, buộc phải giải nghệ sau chấn thương ở chân, đầu gối và cổ. "Tôi đã cạn kiệt năng lượng thể chất và tinh thần chỉ để tranh chức vô địch", Takakeisho rơi nước mắt khi chia sẻ vấn đề sức khỏe trong buổi họp báo tháng trước.

Võ sĩ 28 tuổi bị tước danh hiệu vô địch do phong độ sa sút. Anh cho biết bản thân đã cố gắng hết sức, nhưng thấy đây là thời điểm thích hợp để bỏ cuộc.

Nhà vô địch sumo Terunofuji cũng đang phải nghỉ thi đấu vì bệnh tiểu đường. Theo tờ The Times, ông Isegahama, huấn luyện viên của Terunofuji, cho biết anh không thể tập luyện vì đau đầu gối.

Một võ sĩ khác, Enho, bị chấn thương tủy sống nghiêm trọng do đầu va vào đầu đối thủ, động tác đầu tiên của nhiều trận đấu. Báo chí Nhật Bản cũng liệt kê một loạt đô vật sumo khác phải rút lui vì nhiều vấn đề sức khỏe. Tỷ lệ chấn thương cao khiến nhiều người kêu gọi có bác sĩ túc trực tại những trận đấu và giới hạn cân nặng để ngăn chặn tình trạng các võ sĩ chỉ dựa vào trọng lượng cơ thể thay vì kỹ thuật.

Đô vật luôn bị bong gân và bầm tím, đó là đặc tính của môn thể thao. Tuy nhiên, giờ đây, một số yếu tố khác góp phần làm gia tăng chấn thương nghiêm trọng và đe dọa sự nghiệp. Nhiều võ sĩ tiếp tục thi đấu sau 30 tuổi, làm tăng mức độ hao mòn khớp và tăng nguy cơ chấn thương. Bên cạnh đó, cân nặng của họ cũng lớn hơn bao giờ hết.

Tình trạng này khiến nhiều chuyên gia kêu gọi môn thể thao phải cải tiến nhanh chóng để phù hợp với hiện tại, áp dụng các biện pháp như giới hạn cân nặng và tăng cường điều trị y tế trong tập luyện.

Khác với quyền anh, sumo không phân hạng cân. Điều này khuyến khích các đô vật tăng càng nhiều cân càng tốt để chiếm ưu thế, nhưng lại gây ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.

pexels-hosea-huang-262758649-1-7946-2607-1728900290.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=oQKfZGV4q3Fqz7dn51zVjg

Các đô vật sumo Nhật Bản. Ảnh: Pexel

Vào những năm 1950, cân nặng trung bình của một sumo là 110 kg, nhưng hiện tại đã tăng lên 160 kg. Tuy nhiên, đây chỉ là mức trung bình, một số đô vật nặng tới 265 kg, lượng calo tiêu thụ hằng ngày lên tới 10.000, gấp 5 lần mức khuyến nghị cho nam giới trung bình.

"Tôi nghĩ chỉ số BMI của một đô vật sumo nên nằm trong khoảng 40 đến 43. Nên đặt ra quy định BMI không vượt quá 45", huấn luyện viên sumo Takehiko Daiguji cho biết.

BMI (chỉ số khối cơ thể) là một phép tính sử dụng cân nặng, chiều cao và một số thông tin nhân khẩu học cơ bản như giới tính và dân tộc để xác định xem một người có thừa cân, béo phì hay còi xương hay không. Mặc dù một số bác sĩ cho rằng hệ thống này có sai sót, nhưng nó thường được coi là một chỉ số chung tốt về bệnh béo phì trong y tế công cộng.

Điểm BMI từ 18,5 đến 25 là khỏe mạnh. Điểm từ 25 đến 29 được coi là thừa cân, và 30 trở lên có nghĩa là một người béo phì, giai đoạn mà nguy cơ mắc bệnh tăng vọt. Vì vậy, ngay cả việc giới hạn sumo ở mức BMI 45 vẫn cao hơn nhiều so với mức khuyến nghị chung cho sức khỏe tốt, mặc dù các đô vật thường có nhiều cơ bắp hơn một người không phải vận động viên có cùng BMI.

Đây là tình trạng của nhiều sumo hiện nay. Ví dụ, Takakeisho, người vừa giải nghệ gần đây, cao 175 cm và nặng 165 kg, có chỉ số BMI gần 54.

Một số người khác cho rằng sumo cần từ bỏ một số yếu tố truyền thống và áp dụng y học thể thao hiện đại, hỏi ý kiến chuyên gia dinh dưỡng về các vấn đề liên quan đến ăn uống.

"Đã là năm 2024 rồi, việc một sumo chuyên nghiệp vẫn ăn ngấu nghiến những bữa nhiều natri và đường tinh luyện là không còn phù hợp", John Gunning, phóng viên tờ Japan Times, gần đây đã viết.

Ông nói thêm, dù nhiều người đã có thói quen tập thể dục, các bài tập đó vẫn thiếu khoa học. Theo Cancer Research UK, béo phì là nguyên nhân gây nhiều bệnh tật. Ở người béo phì, lượng mỡ bọc kín tim khiến tim khó co bóp hoặc mỡ tích tụ quá nhiều làm tăng dung lượng máu tuần hoàn, tăng gánh nặng cho tim.

Người béo phì thường bị huyết áp cao, lượng đường và cholesterol bất thường - những yếu tố làm tăng nguy cơ xơ cứng mạch máu não, đột quỵ. Tại Mỹ năm 2010, kết quả 25 nghiên cứu với 2,3 triệu người tham gia, cho thấy người béo phì có nguy cơ đột quỵ cao đến 64%.

Mỡ dư quá nhiều trong cơ thể còn khiến hormone insulin hoạt động không hiệu quả. Lúc này, tuyến tụy sản sinh nhiều insulin hơn. Nếu tình trạng kéo dài khiến sản sinh insulin của tuyến tụy giảm dẫn đến bệnh tiểu đường type 2.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cứ ba người béo phì có một trường hợp viêm xương khớp. Tăng 5 kg cân nặng, nguy cơ mắc bệnh viêm khớp gối tăng lên 36%. Béo phì là nguyên nhân gây ra 5% trường hợp gây ung thư ở Anh.

Thục Linh (Theo Daily Mail)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022