Gần đây, giới chức y tế châu Âu ghi nhận 12 trường hợp trẻ em mọc đầy lông cơ thể sau khi cha mẹ sử dụng minoxidil, một loại thuốc không kê đơn được bôi lên da đầu để kích thích mọc tóc. Các nhà khoa học gọi đây là hội chứng "người sói", khiến bệnh nhân có lượng lớn lông mịn, dài tới 5 cm phát triển trên mặt, tay và các bộ phận khác của cơ thể. Tên y khoa của tình trạng này là hypertrichosis (chứng rậm lông), không có cách chữa trị, nghĩa là người bệnh phải kiểm soát triệu chứng bằng cách cạo, tẩy lông hoặc cắt tỉa lông.

Các chuyên gia bắt đầu lo ngại về hiện tượng này kể từ tháng 4/2023, sau khi một bé trai ở Tây Ban Nha mọc lông ở lưng, chân và đùi trong hơn hai tháng. Bác sĩ phát hiện ra cha của bé đã sử dụng thuốc trị hói minoxidil 5% trên da đầu. Ông nghỉ việc một tháng và ở nhà chăm con.

Khi bé không còn tiếp xúc với thuốc này, các triệu chứng đã giảm dần. Minoxidil có dạng bọt hoặc dung dịch với nồng độ 2% hoặc 5%. Thuốc có bán trên Amazon và hầu hết hiệu thuốc mà không cần kê đơn. Minoxidil hoạt động bằng cách giúp máu lưu thông đến nang tóc.

Sau trường hợp này, Trung tâm Dược Navarra (Tây Ban Nha) đã xem xét hồ sơ y tế của người dân và cơ sở dữ liệu EudraVigilance của Cơ quan Dược phẩm châu Âu. Họ phát hiện 10 trường hợp mắc hội chứng "người sói" khác ở trẻ sơ sinh có liên quan đến minoxidil tại châu Âu.

ebe9ac202a3149b75a8ae8adb2e1d8-2684-4384-1733720829.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZgEAK5vzpys7QQ-bu0rIrg

Thuốc kích thích mọc tóc minoxidil. Ảnh: Forhair

Trong mọi trường hợp, các triệu chứng đều giảm sau khi cha mẹ ngừng sử dụng minoxidil. Tuy nhiên, cơ quan y tế cảnh báo, trẻ sơ sinh tiếp xúc với thuốc có nguy cơ bị tổn thương tim và thận. Nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng, ngay cả một thìa cà phê bôi lên da đầu người lớn hai lần mỗi ngày cũng có thể gây ra nhịp tim nhanh, tình trạng tích nước và muối.

Trong báo cáo, Trung tâm Dược Navarra cho biết minoxidil có thể đã truyền từ cha mẹ sang con cái qua da hoặc miệng. Vì thuốc được bôi trực tiếp, trẻ sơ sinh có thể tiếp xúc bằng cách mút hoặc nhai đầu hoặc tay của cha mẹ sau khi họ bôi thuốc.

Trước những sự việc này, minoxidil được bán ở châu Âu sẽ phải ghi cảnh báo trên bao bì về nguy cơ rậm lông ở trẻ sơ sinh, khuyên người dùng tránh để trẻ nhỏ tiếp xúc với vùng da đã bôi thuốc.

Năm 2019, ít nhất 17 trẻ em ở Tây Ban Nha, một số là trẻ sơ sinh, đã mắc hội chứng "người sói" sau khi nhà sản xuất đóng chai nhầm thuốc rụng tóc thành thuốc dạ dày. Các chai này đề nhãn omeprazole (chữa trào ngược axit), nhưng sau khi điều tra, nhà chức trách phát hiện thuốc thực sự chứa minoxidil. Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Y tế Maria Luisa Carcedo cho biết lô thuốc bị lỗi do nhân viên phòng thí nghiệm đã "đựng thuốc minoxidil vào một hộp dán nhãn omeprazole" và phân phối đến các hiệu thuốc.

Đầu năm nay, minoxidil gây sốt trên internet sau khi người dùng mạng xã hội phát hiện về hiệu quả mọc tóc của nó. Những người ủng hộ cho rằng khi sử dụng hai đến ba lần một tuần, thuốc cải thiện đáng kể vùng lông mày.

Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo, thuốc không được cấp phép cho mục đích này, thậm chí có thể gây rụng tóc nếu sử dụng không đúng cách. Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cũng khuyến cáo minoxidil chỉ dùng để điều trị rụng tóc ở nam và nữ do di truyền. Nó không điều trị rụng tóc do các yếu tố khác bao gồm căng thẳng, bệnh tật hoặc thiếu sắt.

Thục Linh (Theo Daily Mail)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022