Sáng 8/8, bà Hà Thị Phúc, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát, cho biết xét nghiệm mẫu do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện, xác định thêm hai ca bạch hầu trong ổ dịch phát sinh tại khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát. Hai người này trước đó có thời gian dài tiếp xúc gần với thai phụ mắc bạch hầu. Họ trong số 21 người tiếp xúc gần (F1), cách ly theo dõi sau khi thai phụ được xác định bạch hầu.

Hiện hai bệnh nhân này điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. "Sức khỏe họ ổn định, không có diễn biến bất thường", Phó chủ tịch UBND huyện Mường Lát, ông Mai Xuân Giang, nói.

Như vậy, chuỗi lây nhiễm này hiện xác định 3 bệnh nhân. Còn 19 F1 đang tiếp tục được cách ly theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát và tại nhà.

Thai phụ 17 tuổi - ca đầu tiên trong chuỗi lây nhiễm này - đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị. Cô đang mang thai tháng thứ 8. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Thanh Hóa Hoàng Bình Yên cho hay thai phụ hiện sức khỏe tiến triển tốt.

CDC cũng đang giám sát một ca nghi nhiễm ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, cách ổ dịch Đoàn Kết khoảng 20 km. Ca này có triệu chứng lâm sàng bạch hầu, chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa hôm 7/8, đang chờ kết quả xét nghiệm. Hiện chưa có yếu tố dịch tễ cho thấy mối liên quan giữa ca nghi nhiễm và ổ dịch Đoàn Kết.

Đây là ổ dịch bạch hầu đầu tiên trong năm tại tỉnh Thanh Hóa. Giới chức hiện chưa xác định được nguồn lây nhiễm cho thai phụ, do đó nhận định tình hình dịch bạch hầu tại khu phố Đoàn Kết diễn biến phức tạp. Ngoài ra, kết quả tiêm chủng các năm gần đây của Mường Lát chưa đạt yêu cầu do ảnh hưởng dịch Covid-19 và khan hiếm vaccine có thành phần bạch hầu.

CDC Thanh Hóa chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Mường Lát có kế hoạch phòng chống dịch lây lan, tiếp tục truy vết nhóm F1, vệ sinh môi trường nhà ở bằng Chloramin B, giám sát và xử lý ổ dịch. Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát bảo đảm đủ trang thiết bị, thuốc kháng sinh điều trị triệu chứng bệnh, hóa chất tiêu độc khử trùng... để sẵn sàng cách ly, điều trị các ca nghi nhiễm.

Bach-hau-2-jpeg-3416-1723086957.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7Vr4Lue8ixTgQX09ypQUAw

Cán bộ y tế lấy mẫu nhóm người tiếp xúc gần ca nhiễm bạch hầu ở thị trấn Mường Lát hôm 6/8. Ảnh: Lam Sơn

Bộ Y tế hồi tháng 7 khuyến cáo bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 5 ca bạch hầu, trong đó một trường hợp tử vong là nữ sinh 18 tuổi ở Nghệ An. Nữ sinh này lây bệnh cho một người bạn từng ở chung phòng và người bạn này lây cho một người thứ ba. Như vậy, chuỗi lây nhiễm này hiện ghi nhận 3 ca.

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khả năng gây dịch, lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, vật trung gian như đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh, xâm nhập qua da bị tổn thương. Thời gian ủ bệnh khoảng hai tuần trước khi bắt đầu lây nhiễm cho người khác.

Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, bạch hầu có các biểu hiện nặng, nhẹ khác nhau. Triệu chứng bệnh chủ yếu là viêm họng, có lớp màng giả màu trắng do các tế bào bị viêm bám vào trong vòm họng. Một số biến chứng khác như viêm tai giữa, viêm phổi do liệt cơ hoành...

Khi bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân có thể khó thở, khó nuốt, thay đổi thị lực, nói lắp. Độc tố bạch hầu ngấm vào máu gây nhiễm độc toàn thân, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên, thần kinh cảm giác, viêm cơ tim hoặc loạn nhịp tim, dẫn đến tử vong.

Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ bệnh. Đảm bảo nhà ở thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Lê Hoàng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022