Quan điểm này được ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, nêu trong buổi làm việc vớiĐoàn đại biểu Quốc hội TP HCM về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Theo ông Nam, việc mua sắm trang thiết bị y tế chống dịch Covid-19 hầu hết theo phương án chỉ định thầu rút gọn, căn cứ trên năng lực của các nhà cung cấp. Việc mua sắm này theo đúng quy định và giá vào thời điểm đó là "thấp nhất so với tất cả thời điểm khác". Ngoài ra, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế căn cứ vào Thông tư 14 của Bộ Y tế.

Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cũng cho rằng khi ấy dù tình hình dịch bệnh khẩn cấp, Sở cũng chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, đúng quy trình khi mua sắm trang thiết bị để sau này phục vụ thanh tra, kiểm toán. Tổng nguồn lực huy động cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Sở Y tế là 12.750 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế là 3.461 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đại diện Sở Y tế nói việc mua sắm trong thời kỳ dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Theo quy định, nhà cung cấp phải có đủ ba báo giá, nhưng do giãn cách xã hội, việc đi lại phức tạp, chỉ có 1-2 nhà cung cấp trên toàn quốc. Ngoài ra, các đơn vị thực hiện dịch vụ thẩm định giá không phản hồi hoặc từ chối, không nhận thực hiện dịch vụ trong thời điểm dịch bệnh.

"Có đơn vị tổ chức đấu thầu nhưng không có nhà thầu nào tham gia khiến việc nhập khẩu, mua sắm gặp khó. Chưa kể, giá cả biến động nhanh, đến khi xây dựng xong dự toán chuyển sang quy trình mua sắm, giá đã giảm. Các báo giá, thẩm định giá không còn phù hợp cho việc thực hiện quy trình mua sắm tiếp theo", đại diện Sở Y tế nói.

322006685-1521016785069284-416-5703-7374-1672385833.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=gUPgAx9VqVFVgyVMi7ZSCg

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM trong buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội, sáng 30/12. Ảnh: Mỹ Ý

Ngoài ra, Sở Y tế TP HCM cho rằng một số trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch Covid-19 không thông dụng, thậm chí có thiết bị chưa từng sử dụng nên khá khó khăn trong việc xây dựng cấu hình, thông số kỹ thuật. Việc tìm hiểu thông tin về thiết bị của nhiều nhà cung cấp khác nhau là rất khó.

Đồng thời, ngành y tế cũng gặp trở ngại trong việc thực hiện các văn bản quy định về mua sắm nên dẫn đến việc chậm muộn hoặc có những trang thiết bị không thể mua.

Ông Nam nói thêm, đối với công tác mua sắm trang, thiết bị làm theo quy định nhưng nhiều giám đốc bệnh viện vẫn rất tâm tư vì mặc dù thực hiện đúng theo quy trình nhưng khi thanh tra lại luôn có dấu hiệu vi phạm về giá. Ông lấy ví dụ một máy, trang thiết bị trước dịch được cơ sở y tế mua với giá hơn 4 tỷ đồng, trong dịch mua với giá chỉ 2,8 tỷ nhưng vẫn bị kết luận là có dấu hiệu vi phạm.

Theo ông Nam, hiện nay đơn vị chủ đầu tư không thể biết được giá nhập khẩu, chưa có quy định cung cấp giá tờ khai hải quan, nhưng khi so sánh lại bị so sánh với tờ khai hải quan. Điều này là rất khó khăn cho ngành y tế.

Thực tế các đơn vị nhập khẩu thường không phân phối trang, thiết bị mà sẽ ủy quyền cho một đơn vị khác. Đơn vị phân phối đó sẽ tham gia đấu thầu ở các cơ sở.

"Như vậy, khi mua sắm đều thực hiện đúng theo quy trình nhưng không thể biết được giá nhập khẩu theo tờ khai hải quan", ông Nam khẳng định.

Trước khó khăn này, Sở Y tế kiến nghị khi thanh, kiểm tra công tác mua sắm, nhất là mua sắm phục vụ phòng chống dịch, thì cần xem xét bối cảnh thực tế trong giai đoạn dịch bệnh và tinh thần Nghị quyết 30 của Quốc hội.

Ngoài vấn đề trên, buổi giám sát còn đề cập các vấn đề như nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, các chính sách hỗ trợ nhân viên y tế, người dân gặp khó khăn trong đợt dịch Covid-19...

Ngày 23/12, Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vaccine và thuốc phòng, chống Covid-19 tại TP HCM.

Theo đó, trong thời gian Covid-19 bùng phát, Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn ngân sách để mua sắm vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch. Tuy nhiên một số chủ đầu tư, là các bệnh viện ở TP HCM, đã xác định số lượng mua sắm "vượt nhu cầu sử dụng" so với tình hình. Nhiều đơn vị không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, không thương thảo hợp đồng, làm hạn chế thông tin về giá trúng thầu để các cơ quan tham khảo khi xây dựng giá.

Đa số gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn chưa làm đúng quy trình, dẫn đến kéo dài thời gian mua sắm, không đáp ứng được tính cấp bách trong chống dịch. Một số bệnh viện mua sắm thuốc chữa bệnh đã lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực khiến sau khi trúng thầu không được giao hàng hóa hoặc cung cấp không kịp thời.

Ngoài ra, nhiều gói thầu mua thiết bị chống Covid-19 ở TP HCM thông qua trung gian nên bị nâng giá, bán cao bất thường. Có gói thầu giá chênh lệch lên đến gần 19 tỷ đồng, gói thấp nhất chênh lệch 4,2 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ hai vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho Bộ Công an.

Mỹ Ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022