Trả lời phỏng vấn trên tờ "Thời báo cuộc sống" của Trung Quốc, giáo sư tiến sĩ Hà Cốc Dân (Đại học Đông Y dược Thượng Hải) và chủ nhiệm ngoại khoa Thạch Hán Bình (Trung tâm y học ung bướu, thuộc tổng Y viện hàng không, trường đại học Y khoa Trung Quốc) cho biết: Bất kì ai cũng hãy ghi nhớ 8 từ liên quan mật thiết với ung thư để cải thiện thói quen xấu, phòng ngừa bệnh tật.
1. Đường
Có thể bạn cho rằng, đường thì làm sao gây bệnh ung thư? Đúng vậy, thói quen thích ăn đường, ăn đồ ngọt kỳ thực không có quan hệ trực tiếp đến các bệnh ung thư. Tuy nhiên, bạn cần phải nhớ rằng, các thực phẩm ngọt với thành phần đường cao dễ dẫn đến béo phì. Trong khi đó, rất nhiều nghiên cứu y học đều đã chứng minh được có đến 12 loại ung thư thật sự có liên quan đến béo phì, đặc biệt là ung thư tụy, ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung, ung thư thận và ung thư gan.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) luôn kiến nghị con người mỗi ngày chỉ nên kiểm soát lượng đường dung nạp vào cơ thể nằm trong mức 50gr trở xuống, nhưng lý tưởng nhất vẫn là đừng vượt quá 25gr.
2. Nóng
Thức ăn thì phải ăn lúc còn nóng mới ngon. Điều này không sai, nhưng Trung tâm nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) đã chỉ ra rằng: Những người thường ăn uống quá nóng có thể tăng nguy cơ mắc ung thư. Do nhiệt độ dễ làm tổn thương tế bào bề mặt cổ họng, có thể dẫn đến vài chứng ung thư hiếm gặp.
Theo báo cáo y học Nội khoa của Mỹ năm 2018, những người có thói quen uống trà nóng mỗi ngày cũng có tỷ lệ mắc ung thư cao gấp 2 – 5 lần so với người không uống.
3. Mặn
Chuyên gia dinh dưỡng Chu Tương Đức (Đại học y dược Bắc Kinh) cho biết: Khi con người có sở thích ăn mặn thì thành phần muối được dung nạp quá nhiều, dần dần tích lũy trong cơ thể, dễ dẫn đến các bệnh về tim mạch, huyết quản, cao huyết áp, thận, đồng thời nó còn khiến nội tiết tố trong cơ thể không thể bài tiết ra ngoài, gây ra hiện tượng phù thủng.
Các chuyên gia y khoa kiến nghị những người trưởng thành mỗi ngày không nên dung nạp quá 2400mg natri (tương đương khoảng 6gr muối) để hạn chế bệnh tật.
4. Đen
"Đen" ở đây chính là nói đến các thức ăn chế biến kiểu nướng. Tuy hương vị của món nướng thật sự hấp dẫn và đem lại khoái khẩu khi ăn, nhưng trong quá trình chế biến, cụ thể là nướng, chúng sẽ sinh ra một lượng lớn các vật chất như Polycyclic Aromatic Hydrocarbons, Benzopyrene. Đây là những chất gây ung thư với mức độ mạnh yếu khác nhau. Đặc biệt, người thường ăn đồ nướng càng có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày, ung thư ruột.
5. Dầu mỡ
"Dầu mỡ", một mặt là chỉ những thức ăn chứa chất béo cao. Người thường ăn thực phẩm nhiều béo, nhất là chất béo từ động vật càng có nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư trực tràng, ung thư đại tràng, ung thư vú...
Mặt khác, từ "dầu mỡ" còn để chỉ các món chiên xào ở nhiệt độ cao. Trong quá trình chế biến rất dễ sinh ra vật chất gây ung thư như Polycyclic Aromatic Hydrocarbons, Heterocyclic Aromatic Amines…
6. Độc
"Độc" ở đây là chỉ những thực vật dễ sinh mốc và độc tố do môi trường ẩm thấp hoặc nóng bức, hoặc do bảo quản không đúng cách. Lúc này, chúng sẽ bị nhiễm độc tố gây ung thư như Aflatoxin. Đây là một trong những chất gây ung thư mạnh nhất được biết đến ở hiện tại, đặc biệt là nó liên quan mật thiết với ung thư gan.
7. Khói
Từ "khói" ở đây đầu tiên chính là chỉ thuốc lá, một trong những nhân tố gây tử vong do ung thư phổi hang đầu trên thế giới. Thứ hai là khói bốc ra từ quá trình nấu nướng cũng có khả năng gây bệnh nếu không có biện pháp xử lý thích đáng.
8. Lười
Cuộc sống càng hiện đại thì con người càng bận rộn, và đó lại là lý do khiến họ giảm những bữa cơm tự chế biến trong gia đình. Thay vào đó là những bữa ăn vội ngoài hàng quán hay thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ. Thói quen này khiến bạn dung nạp nhiều muối, chất béo và cả những độc tố do không đảm bảo vệ sinh, khiến tỷ lệ phát bệnh ung thư càng cao.
"Lười" ở đây còn là vấn đề con người ít vận động thể chất. Khi bạn thiếu sự luyện tập thể thao, một mặt dễ bị béo phì, mặt khác cơ thể giảm đi sức đề kháng, từ đó rất dễ dẫn đến nhiều bệnh ung thư ghé thăm.
Nguồn Aboluowang, Sohu