Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhân nam, 30 tuổi ở Phú Thọ đến khám do hốt hoảng, lo âu.
Bệnh nhân cho biết, khoảng 3 - 4 tháng trước, bệnh nhân bị con chó lạ cắn. Sau đó bệnh nhân đã đánh chết con chó và làm thịt ăn. Bệnh nhân cũng không đi tiêm kháng huyết thanh.
Ảnh minh họa
Trước khi vào viện hai ngày, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, kích thích, sợ nước, sợ gió lạnh, không tắm, đau mỏi đầu và hai vai. Khi đó, bệnh nhân đi khám ở phòng khám tư nhưng không đỡ.
Ngày 21/12, bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khám, được chẩn đoán và làm xét nghiệm vi rút dại có kết quả dương tính. Bệnh nhân được chuyển vào điều trị tại khoa Cấp Cứu.
Đến 18h15 cùng ngày, bệnh nhân hốt hoảng, kích thích, sợ nước sợ gió của bệnh nhân tăng dần. Được bác sĩ giải thích tiên lượng tử vong, gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà.
Trao đổi với PV VNN, TS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho hay từ đầu năm đến nay hai cơ sở của khoa (ở Giải Phóng và Đông Anh) tiếp nhận 5 ca bệnh dại. Hầu hết bệnh nhân đều không tiêm kháng huyết thanh hay vắc xin dại sau khi bị chó cắn. Sau 1-3 tháng, họ mới có triệu chứng bệnh.
Theo các bác sĩ, khi bệnh dại khởi phát, có nghĩa cơ hội sống của bệnh nhân đã khép lại vì không có thuốc chữa và tử vong rất nhanh.
Ảnh minh họa
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ, chứng kiến cảnh bệnh nhân lên cơn dại, thấy chết mà không thể cứu, bất cứ thầy thuốc nào cũng đều thấy ám ảnh.
Theo vị bác sĩ này, khi đã bị lên cơn dại, bệnh nhân vô cùng tỉnh táo nhưng bị kích thích, sợ nước, sợ tiếng gió thổi, ánh mắt long lanh vì sợ hãi. Một số trường hợp rét run nhưng lại vã mồ hôi đầm đìa. Người bị dại lên cơn khó thở vì co thắt thanh quản và chết vì suy hô hấp.
"Bệnh nhân biết mình sẽ chết, bác sĩ, người nhà đều đau lòng bởi thấy chết mà không thể cứu được. Chỉ mong quay ngược thời gian, họ đi tiêm phòng", bác sĩ Cấp chia sẻ.
Các BS khuyến cáo, khi bị chó, mèo cắn cần chủ động đến các trung tâm tiêm chủng để tiêm dự phòng trước đối với bệnh dại. Nếu chủ động tiêm phòng trước sẽ tránh phải tiêm huyết thanh kháng dại được sản xuất từ huyết thanh ngựa nên dễ có phản ứng dị loài. Giải thoát được vấn đề tâm lý khi bị chó, mèo không rõ nguồn gốc cắn.