Không để quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hệ thống chính trị làm gián đoạn việc xây dựng Hồ sơ Di sản văn hóa thế giới cho Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê.

Đây là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Trung Hồ tại buổi làm việc với Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo ngày 8/7, tại xã Óc Eo. Ông Lê Trung Hồ đã trực tiếp khảo sát thực tế một số điểm, hố khai quật khảo cổ học ở gò Cây Thị, khu vực xung quanh Linh Sơn Cổ Tự và làm việc với Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo. Ông nêu rõ, thời gian qua, Trung ương, tỉnh đã rất quan tâm đầu tư, triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Óc Eo. 

Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo đã phối hợp với các đơn vị có chuyên môn tiến hành khảo cổ, xây dựng cơ sở vật chất, bảo quản các hiện vật, xây dựng hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê tỉnh An Giang trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Nhà trưng bày văn hoá Óc Eo tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Ảnh: TTXVN

Đến thời điểm này, An Giang đã hoàn thành nhiệm vụ của giai đoạn 1 trong quá trình xây dựng hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê tỉnh An Giang trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Ngày 4/1/2022, Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê đã được Trung tâm Di sản Thế giới (UNESCO) cập nhật vào danh sách dự kiến lập hồ sơ đề cử Di sản văn hóa thế giới.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Trung Hồ, quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, nếu không tập trung tháo gỡ kịp thời thì việc trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới sẽ khó đảm bảo lộ trình đề ra.

Để công tác xây dựng hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê tỉnh An Giang trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới hoàn thành đúng tiến độ, đạt được kết quả như kỳ vọng, ông Lê Trung Hồ đề nghị, Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo, các sở, ban, ngành trong tỉnh tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đối với đội ngũ cán bộ công chức và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng hồ sơ, xác định đây là nhiệm vụ chính trị, từ đó nỗ lực hơn trong thực hiện nhiệm vụ.

vnapotaltrinhunescocongnhanditichoceo-batheladisanvanhoathegioi7985882-1751966870778341731367.jpeg

Hố khai quật tại di tích Gò Cây Thị bên trong quần thể Khu Di tích Óc Eo - Ba Thê. Ảnh: TTXVN

Khu di tích được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới sẽ không chỉ là niềm tự hào của tỉnh, đất nước Việt Nam mà còn là sự ghi nhận của quốc tế đối với những giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ của vùng đất Nam Bộ, đặc biệt là vùng đất An Giang. Đây là bước đi quan trọng, mang ý nghĩa chiến lược lâu dài về văn hóa, chính trị, thể hiện những cam kết, nỗ không mệt mỏi của Việt Nam trong bảo tồn và quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của Di tích Óc Eo - Ba Thê ra thế giới, góp phần nâng tầm vị thế quốc gia, đặc biệt là vùng đất An Giang.

Chia sẻ những khó khăn của Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo sau quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Trung Hồ lưu ý, thời gian tới, Ban Quản lý Di tích tập trung lãnh đạo, chỉ đạo duy trì nhịp độ công việc, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra, không để công tác xây dựng hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê tỉnh An Giang trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới bị gián đoạn. Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo phối hợp với các sở, ngành sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ công tác chuyên trách xây dựng hồ sơ Khu di tích, trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới để kịp thời chỉ đạo, xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

vnapotalangiangxaydunghosotrinhunescocongnhandisanvanhoathegioidoivoikhuditichoceobathe7713644-17519669422792076873810.jpg

Đoàn công tác của tỉnh An Giang khảo sát di tích khảo cổ Óc Eo- Ba Thê Gò Cây Thị ở thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn (An Giang). Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Ban Quản lý Di tích chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan thường xuyên theo dõi, rà soát, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chi tiết theo từng tháng, từng quý; phấn đấu hoàn thành việc xây dựng hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê tỉnh An Giang trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào cuối năm 2025.

vnapotalangiangxaydunghosotrinhunescocongnhandisanvanhoathegioidoivoikhuditichoceobathe7713646-1751966958111804476342.jpg

Các di chỉ của nền văn hoá Óc Eo được trưng bày, giới thiệu tại Nhà trưng bày Di tích Văn hoá Óc Eo tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn (An Giang). Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Óc Eo được biết đến như một nền văn hóa tiêu biểu ở vùng đất Nam Bộ - Việt Nam những năm đầu Công nguyên. Nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đã phát hiện và định danh nền văn hóa Óc Eo vào năm 1944, theo tên gọi địa điểm gò Óc Eo, thuộc xã Óc Eo, tỉnh An Giang ngày nay. Toàn tỉnh hiện có hơn 80 di tích liên quan đến văn hóa Óc Eo, trong đó, Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê (xã Óc Eo) có tổng diện tích quy hoạch bảo tồn khoảng 433,1ha. Nơi đây được xác định là có vị trí hết sức quan trọng, từng là một đô thị, cảng thị, một trung tâm kinh tế - văn hóa lớn của vương quốc Phù Nam xưa.

Với những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, Di tích Óc Eo - Ba Thê đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012; được các nhà khoa học và nhà quản lý nhận định có đủ tiềm năng, điều kiện để trở thành di sản văn hóa thế giới. Ngày 4/1/2022, Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê đã được UNESCO đưa vào danh sách dự kiến đề cử di sản văn hóa thế giới.

XEM THÊM TIN TỨC VĂN HÓA TẠI ĐÂY

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022