Pavel Durov, một tỷ phú người Nga, người sáng lập ứng dụng Telegram, vừa tuyên bố đã hiến tinh trùng nhiều lần và là cha của hơn 100 đứa trẻ ở 12 quốc gia. Durov 39 tuổi, chưa kết hôn, có tài sản ước tính lên tới 14 tỷ bảng Anh. Tỷ phú công nghệ giải thích anh đã đăng ký hiến tinh trùng cách đây 15 năm, khi một người bạn đến gặp với "yêu cầu kỳ lạ".

Durov cho rằng hiến tinh trùng là một trong những "nghĩa vụ công dân", tuyên bố muốn "công khai DNA của mình" để những đứa con ruột có thể tìm thấy nhau một cách dễ dàng hơn. Ông trùm công nghệ hiểu về những rủi ro của việc này, song không hối hận vì đã hiến tinh trùng.

"Tình trạng thiếu hụt tinh trùng khỏe mạnh đang trở thành vấn đề ngày càng nghiêm trọng trên toàn thế giới. Tôi tự hào vì đã góp phần giúp giảm bớt vấn đề này. Tôi cũng muốn góp phần xóa bỏ định kiến về việc hiến tinh trùng và khuyến khích nam giới khỏe mạnh tham gia hiến", anh nói.

Theo trang tin tức E1.RU của Nga, mọi người có thể mua tinh trùng của Durov tại một phòng khám ở Moscow với giá 35.000 rúp (391 USD). Nếu muốn thực hiện thụ tinh nhân tạo sử dụng tinh trùng của vị tỷ phú này, các gia đình phải bỏ ra hơn 300.000 rúp (3.350 USD). Theo hồ sơ, Durov là người ăn chay, thích dậy sớm, nói được 9 ngoại ngữ gồm tiếng Anh, tiếng Ba Tư và tiếng Latin.

Tháng trước, Netflix đã phát sóng một bộ phim tài liệu về "Người đàn ông với 1.000 đứa con", ghi lại quá trình điều tra Jonathan Meijer, người Hà Lan, đã lừa đảo hàng chục cặp vợ chồng trên toàn cầu.

Theo một tình nguyện viên của Tổ chức Tài trợ Trẻ em Hà Lan, có thời điểm, Meijer lập 8 hồ sơ hiến tặng trực tuyến ở Đức, Italy và Hà Lan. Tình nguyện viên này đã liên lạc với các gia đình trên thế giới từng bị Meijer lừa đảo và thống kê, anh có con ở Mexico, Mỹ, Serbia, Australia và Romania. Giám đốc quỹ, Ties van der Meer, cho biết Meijer có thể có tới 1.000 đứa trẻ.

Nhiều phụ nữ cho biết họ cảm thấy "bị lừa đảo" và tức giận khi phát hiện con mình có gần 1.000 chị em cùng cha khác mẹ trên thế giới. Meijer đã bị cấm hiến tinh trùng ở Hà Lan vào năm 2017. Tuy nhiên, người đàn ông tiếp tục hiến tinh trùng ở các quốc gia khác đến năm 2023 và bị một phụ nữ đệ đơn kiện dân sự. Họ cho rằng anh đang làm tăng nguy cơ loạn luân cho chính các con của mình.

Tháng 4 năm ngoái, Meijer thua một vụ kiện và bị tòa án ở Hà Lan cấm anh tiếp tục hiến tinh trùng, áp mức phạt 100.000 euro cho mỗi lần vi phạm trong tương lai, do hiến tinh trùng "vô độ". Tòa cũng yêu cầu các ngân hàng tinh trùng tiêu hủy bất kỳ tinh trùng nào của anh có sẵn, cấm hiến tặng cho các bậc cha mẹ đang đăng ký.

1200x800-9915-1724060035.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hhPJeZOoTUfZ6pi3xNj5Zw

Pavel Durov, người sáng lập ứng dụng Telegram. Ảnh: Bloomberg

Các chuyên gia cảnh báo tình trạng này gây ra nhiều rủi ro. Giáo sư Jackson Kirkman-Brown, chủ tịch Hiệp hội Các Nhà khoa học Sinh sản và Lâm sàng Anh, cảnh báo việc phát hiện bản thân có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn anh chị em có thể gây hại tâm lý cho trẻ em.

"Khi bạn luôn nghĩ bạn là một người độc nhất trên thế giới, đột nhiên thấy có 200 người chia sẻ 50% DNA với mình, bạn sẽ sốc tâm lý", ông nói.

Nghiên cứu cũng cho thấy người được thụ thai từ tinh trùng hiến tặng thường cảm thấy áp lực phải giữ liên lạc với hàng chục anh chị em cùng cha khác mẹ.

Hiến tặng tinh trùng bừa bãi có thể vô tình tạo ra những cuộc hôn nhân cận huyết. Trẻ được sinh ra từ hôn nhân cận huyết rất dễ mắc các bệnh dị dạng về xương, thiểu năng trí tuệ, phình to bụng, bạch tạng, tan máu bẩm sinh, hồng cầu liềm, nguy cơ tử vong là rất lớn. Những bệnh lý này di truyền đến các thế hệ sau, gây ra suy thoái giống nòi.

Điều này đặc biệt đáng lo ngại ở Hà Lan, nơi Meijer đã thực hiện nhiều lần hiến tặng trong một khu vực địa lý nhỏ. Hướng dẫn y tế của Hà Lan nêu rõ rằng một người hiến tặng chỉ có thể làm cha của 25 đứa trẻ để tránh nguy cơ loạn luân và các vấn đề tâm lý. Meijer bị phát hiện đã vi phạm các hướng dẫn này và vào năm 2017 anh đã bị Hiệp hội Sản phụ khoa Hà Lan (NVOG) cấm hiến tặng.

Thục Linh (Theo Daily Mail, Standard)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022