Sinh viên y khoa Katherine Hanan, 21 tuổi, ở Anh, luôn là người có vóc dáng mảnh mai dù không bao giờ ăn kiêng hay tập luyện nghiêm túc. Cô kể rằng mình thường ăn bất cứ thứ gì muốn và chưa từng gặp khó khăn trong việc kiểm soát cân nặng.
"Tôi thực sự may mắn và bạn bè ghét tôi vì điều đó", cô nói đùa.
Năm 2019, Katherine tham gia một nghiên cứu đặc biệt do đài BBC thực hiện. Trong thí nghiệm này, cô cùng 9 tình nguyện viên khác, đều là những người gầy và không có tiền sử ăn kiêng, được yêu cầu ăn gấp đôi khẩu phần thông thường mỗi ngày, dao động từ 3.500 calo đối với nữ và 5.000 calo đối với nam, trong khi hạn chế tối đa vận động. Suốt 4 tuần, họ ăn pizza, kem, chocolate, khoai tây chiên, gần như không tập thể dục hay đi bộ nhiều hơn 5.000 bước mỗi ngày.
Một số người tăng cân nhanh, song có trường hợp hầu như không thay đổi. Có người tăng 4-5kg, nhưng chủ yếu là cơ, không phải mỡ. Thậm chí, hai người không thể hoàn thành lượng ăn mỗi ngày, cơ thể tự động từ chối việc tiếp nhận thêm calo. Thí nghiệm này làm nổi bật vai trò của yếu tố di truyền và chuyển hóa cơ bản, nơi mỗi người dường như có một "ngưỡng sinh học" riêng về trọng lượng. Nguyên nhân "không béo lên" của các tình nguyện viên chưa rõ ràng, song các nhà khoa học nhiều lần đưa ra phỏng đoán về hiện tượng mất mỡ bẩm sinh.
CGL (Congenital Generalized Lipodystrophy), hay còn gọi là hội chứng mất mỡ bẩm sinh, là một rối loạn di truyền hiếm gặp khiến cơ thể gần như không có mô mỡ dưới da ngay từ lúc mới sinh. Người mắc hội chứng này thường có thân hình săn chắc, cơ nổi rõ, mặt gầy gò. Tình trạng thiếu mỡ không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn gây mất cân bằng nội tiết và chuyển hóa nghiêm trọng, bao gồm gan nhiễm mỡ, tăng triglyceride máu và kháng insulin sớm.
Theo các nghiên cứu tổng hợp, tỷ lệ mắc CGL vào khoảng 1/10 triệu người. Người bệnh thường được phát hiện trong giai đoạn sơ sinh hoặc thiếu niên, với biểu hiện gan to, cơ thể săn chắc bất thường và dấu hiệu rối loạn chuyển hóa sớm.
CGL chủ yếu do đột biến ở hai gene: AGPAT2 (CGL1) và BSCL2 (CGL2). AGPAT2 chịu trách nhiệm tổng hợp triglyceride trong tế bào mỡ. Khi gene này bị đột biến, tế bào không thể tích trữ mỡ, dẫn đến tình trạng không có mô mỡ dưới da. Trong khi đó, BSCL2 mã hóa protein seipin, một thành phần quan trọng giúp hình thành các giọt mỡ ổn định trong tế bào. Thiếu seipin, mỡ không thể được lưu giữ đúng cách và bị phân hủy sớm.
Các thể CGL di truyền theo kiểu autosomal lặn, tức là một người cần nhận cả hai bản sao gene lỗi từ cha và mẹ để phát bệnh. Các xét nghiệm gene giúp xác định sớm trẻ có nguy cơ mắc bệnh, hỗ trợ can thiệp y tế sớm.
Không có mô mỡ, cơ thể mất đi khả năng điều hòa nội tiết tố như leptin, hormone giúp kiểm soát cảm giác đói và quá trình chuyển hóa đường, mỡ. Hệ quả là người bệnh dễ bị kháng insulin, đái tháo đường type 2 ở tuổi rất sớm, tăng triglyceride máu, gan nhiễm mỡ và rối loạn lipid nghiêm trọng. Một số nghiên cứu ghi nhận nguy cơ viêm tụy cấp, bệnh tim mạch sớm, thậm chí suy gan nếu không kiểm soát tốt tình trạng rối loạn chuyển hóa.
Ngoài ảnh hưởng về thể chất, CGL còn tác động tiêu cực đến tâm lý bệnh nhân. Việc có ngoại hình khác biệt, cộng với bệnh lý chuyển hóa nặng nề, khiến nhiều người dễ rơi vào trầm cảm và lo âu kéo dài.
CGL được chẩn đoán dựa vào hình ảnh lâm sàng (cơ thể không có mỡ dưới da), xét nghiệm chỉ số mỡ máu, chức năng gan và xác nhận bằng giải trình tự gene. Các kỹ thuật hình ảnh như siêu âm gan, đo mật độ mỡ bằng DEXA cũng hỗ trợ quá trình chẩn đoán.

Một người đang ăn pizza tại Dublin, Ireland. Ảnh: Reuters
Hiện không có cách điều trị khỏi hoàn toàn CGL. Phác đồ chủ yếu tập trung vào kiểm soát triệu chứng. Metreleptinm một dạng leptin tổng hợp, được sử dụng để cải thiện việc kiểm soát đường huyết và mỡ máu, và là loại thuốc hiếm đã được FDA phê duyệt cho bệnh nhân CGL.
Ngoài ra, người bệnh thường được chỉ định dùng kết hợp thuốc kiểm soát đái tháo đường, thuốc statin để giảm mỡ máu, đồng thời tuân thủ chế độ ăn ít chất béo và theo dõi chức năng gan định kỳ. Song song với điều trị nội khoa, hỗ trợ tâm lý và quản lý dinh dưỡng cũng đóng vai trò then chốt nhằm nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.
Trường hợp những người không thể tăng cân, dù ăn nhiều, đã giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về vai trò thiết yếu của mô mỡ trong cân bằng nội môi, điều hòa nội tiết và sức khỏe chuyển hóa tổng thể.
CGL là một bằng chứng cho thấy mô mỡ không chỉ là "phần dư thừa" như nhiều người thường nghĩ, mà là một cơ quan có chức năng nội tiết rõ rệt. Việc nghiên cứu gene AGPAT2 và BSCL2 còn mở ra hướng điều trị bằng liệu pháp gene, hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng ở châu Âu.
Từ khía cạnh xã hội, hiểu biết đúng về hội chứng giúp xóa bỏ định kiến "gầy là khỏe", đồng thời nhấn mạnh rằng cân nặng lý tưởng phụ thuộc vào nhiều yếu tố sinh học phức tạp hơn là đơn thuần calo nạp vào, tiêu hao ra.
Thục Linh (Theo BBC, ABC, NCBI)