Có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), song từ lâu ông Thanh chọn khám theo yêu cầu (tức khám dịch vụ) để được gặp bác sĩ từng mổ cho mình và tránh cảnh xếp hàng chờ đợi kéo dài. Lần này, điều khiến ông bất ngờ là khi đăng ký khám, nhân viên bệnh viện thông báo từ ngày 1/7, khám dịch vụ cũng được BHYT chi trả một phần. Ông đăng ký dịch vụ khám với giáo sư chi phí 500.000 đồng, số tiền này được BHYT thanh toán một phần, còn lại ông tự trả.

"Khám dịch vụ thì chủ động hơn lại không phải đợi lâu. Nay có bảo hiểm hỗ trợ một phần, tôi cảm thấy số tiền bỏ ra xứng đáng với sự thuận tiện nhận được", ông Thanh nói và đưa ra hai triệu đồng tạm ứng cho lượt khám, phần dư hay thiếu sẽ được bệnh viện xử lý sau khi hoàn tất thăm khám.

Khám dịch vụ, còn gọi khám theo yêu cầu, là loại hình khám cao cấp hơn bình thường, chi phí cao hơn và vốn nằm ngoài danh mục BHYT chi trả. Người bệnh có thể đăng ký khám bởi các cấp bác sĩ khác nhau, như giáo sư, tiến sĩ, trưởng khoa, bác sĩ chuyên khoa..., được phục vụ riêng, ưu tiên riêng với chi phí phù hợp từng gói.

Anh-chup-Man-hinh-2025-07-09-l-5822-9783-1752048975.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CjA9vINZPoDpjkHVDrzFUQ

Một bệnh nhân khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thế Anh

Tại những bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, trường hợp như ông Thanh không còn hiếm. Anh Đăng, 39 tuổi, quê ở Thanh Hóa, dù đã đóng BHYT suốt 10 năm, vẫn ưu tiên lựa chọn khám theo yêu cầu mỗi lần đến Bạch Mai. Giá khám dịch vụ ở đây dao động từ 300.000 đến 400.000 đồng tùy trình độ chuyên môn của bác sĩ, trong khi khám theo bảo hiểm chỉ có giá 50.600 đồng.

"Tôi đi làm xa, không có thời gian chờ đợi, trước kia khám dịch vụ là tự bỏ tiền túi, giờ bảo hiểm thanh toán một phần khiến tôi bất ngờ", anh chia sẻ, thêm rằng tuy phần hỗ trợ này không lớn, nhưng với người bệnh khám thường xuyên là "khoản đáng kể".

Trước đây, người tham gia BHYT khám chữa bệnh theo yêu cầu không được chi trả bảo hiểm. Tuy nhiên, Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực từ 1/7 và Nghị định 02 quy định chi tiết hướng dẫn biện pháp thi hành Luật BHYT, đã thay đổi nội dung này.

BSCKII. Trần Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai, đánh giá BHYT chi trả cho khám chữa theo yêu cầu là một chính sách "rất ưu việt", giúp người dân có điều kiện tốt hơn vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm.

Cụ thể, quỹ bảo hiểm thanh toán toàn bộ các chi phí thuộc phạm vi hưởng như thuốc, dịch vụ kỹ thuật, tiền giường tối đa theo khung giá quy định; người bệnh trả phần chênh lệch nếu lựa chọn dịch vụ ngoài khung.

Ví dụ, giá công khám theo quy định của BHYT tại Bệnh viện Bạch Mai là 50.600 đồng/lượt. Còn giá công khám theo yêu cầu (khám Thạc sĩ, BSCK1) là 300.000 đồng/lượt. Khi đó, người bệnh sẽ trả phần chênh lệch là 300.000 - 50.600 = 249.400 đồng. Với phần còn lại là 50.600 đồng, Quỹ BHYT sẽ tiếp tục chi trả theo mức hưởng trên thẻ của người bệnh (ví dụ 80%, 95% hoặc 100%). Người bệnh chỉ phải đồng chi trả phần còn lại (nếu có).

Về thuốc, không có khái niệm "thuốc theo yêu cầu", theo BS Sơn. Nếu thuốc nằm trong danh mục quỹ BHYT chi trả thì người bệnh sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định, không phân biệt khám bảo hiểm hay khám theo yêu cầu.

233a3392-1752026684-1752026727-1154-1752026767.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lp_ou6FKYLiQviChhAo_vA

Người dân khám bệnh tại bệnh viện Nhiệt đới TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Bà Vũ Nữ Anh, Phó vụ trưởng Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế), cũng cho hay người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh theo yêu cầu sẽ được thanh toán chi phí theo phạm vi được hưởng. Trong đó, phần chi phí chênh lệch giữa giá dịch vụ với mức thanh toán của quỹ BHYT do người bệnh thanh toán cho cơ sở khám chữa bệnh.

"Các bệnh viện phải công khai minh bạch những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng thuốc, giúp người bệnh hiểu được quyền lợi của mình", bà Anh nói.

Về thủ tục, người bệnh chỉ cần xuất trình thẻ bảo hiểm y tế điện tử, thẻ giấy hoặc mã số bảo hiểm tra cứu hợp lệ cùng giấy tờ tùy thân để được phục vụ.

Đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ xuất trình thẻ BHYT hoặc mã số BHYT; trường hợp chưa được cấp thẻ BHYT thì xuất trình giấy khai sinh bản gốc hoặc bản sao hoặc trích lục khai sinh, giấy chứng sinh bản gốc hoặc bản sao...

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 93,6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, với tỷ lệ bao phủ đạt gần 93,35% dân số. Đến hết tháng 6/2024, cả nước ghi nhận khoảng 89,552 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, tăng 6,563 triệu lượt người (7,91%) so với cùng kỳ năm 2023.

Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2025 cho phép người khám chữa bệnh theo yêu cầu được hưởng quyền lợi BHYT, điều mà trước đây không có, như xóa bỏ "địa giới hành chính" trong khám chữa bệnh; người tham gia bảo hiểm còn được mở rộng quyền lợi khám chữa bệnh, trong đó có điều trị tại nhà, từ xa....

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022