Đây là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus và vật trung gian truyền bệnh sinh sôi, gây dịch bệnh cho người như: Sốt xuất huyết (SXH), sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa, cảm cúm, đau mắt đỏ...

"Điểm mặt" những mối nguy

PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết người dân ở những vùng bị ảnh hưởng bởi mưa, lũ rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa do nguồn nước, thực phẩm, điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Bên cạnh đó, nước ăn chân hoặc các bệnh lý da liễu khác, cảm lạnh, cúm, đau mắt cũng là những vấn đề thường gặp. Cùng đó, môi trường ẩm ướt, nước tù đọng ở các vật dụng như lốp xe, vỏ chai lọ, chậu cây, chum vại... cũng là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản. Bệnh SXH rất dễ lây lan, bùng phát. Mùa mưa bão hằng năm cũng là đỉnh dịch SXH ở nhiều nơi...

Theo ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội, ngành y tế thành phố đã thành lập các đội cấp cứu cơ động với đầy đủ thuốc và trang thiết bị, sẵn sàng đáp ứng các tình huống có thể xảy ra. Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị điều tra, lập danh sách điểm có nguy cơ ngập lụt để xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, chuẩn bị cơ số thuốc điều trị các bệnh thường gặp sau mưa lũ và các hóa chất (Cloramin B, phèn chua…) để xử lý nguồn nước, môi trường.

Tại TP HCM những ngày gần đây, cuộc sống của người dân nhiều khu vực cũng đảo lộn do mưa lớn gây ngập. Người dân phải đội mưa cùng với phương tiện "bơi" giữa triều cường, cống rãnh tuôn trào. Chị Kim Phường (ở TP Thủ Đức) cho biết do hầu như chiều nào chị cũng phải đội mưa, lội nước về nhà dẫn đến gần đây sức khỏe có vấn đề, tình trạng ngứa và nổi mẩn đỏ ở chân ngày càng nặng. Tại Bệnh viện Da liễu TP HCM, các bác sĩ chẩn đoán chị bị nấm da do tiếp xúc với nước mưa. "Ban đầu tôi dùng xà phòng để rửa làm sạch nhưng sau đó da lại nổi nhiều nốt đỏ và ngứa hơn. Được bác sĩ kê thuốc sử dụng bệnh trạng mới tạm ổn" - chị Phường nói.

BSCK2 Vũ Thị Phương Thảo, Trưởng Khoa Lâm sàng 1 - Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết gần đây, bệnh viện tiếp nhận người dân đến khám và điều trị các bệnh về da tăng hơn trước. Các bệnh về da do dầm mưa, lội nước ngập thường gặp phải kể như ghẻ nước, nấm da, viêm da tiếp xúc dị ứng và viêm nang lông... Ngoài nước mưa, triều cường dâng sẽ kèm theo nước cống, nước thải sinh hoạt... Nếu dính vào da sẽ tạo điều kiện cho các bệnh ngoài da phát triển. Thông thường tình trạng nhiễm khuẩn, vi nấm chỉ giới hạn ngoài da. Tuy nhiên, một số trường hợp nếu chăm sóc không kỹ thì có thể dẫn đến nhiễm trùng lan rộng toàn thân. "Nhiều người chủ quan nghĩ rằng các bệnh về da là bệnh thông thường nên tự mua thuốc uống, thuốc bôi bên ngoài. Tuy vậy, khi bôi, uống không đúng thuốc có thể khiến sang thương lan rộng dẫn đến điều trị khó khăn" - BS Thảo khuyến cáo.

anh-chot-11-9-17260613360621563246545-1726131685534-17261316877221376601979.jpg

Vệ sinh môi trường phòng tránh nguy cơ lây dịch bệnh sau bão lũ. Ảnh: NGỌC DUNG

Những điều cần lưu ý

Các bác sĩ da liễu lưu ý để phòng tránh các bệnh ghẻ, nấm da sau khi tiếp xúc với nước bẩn, người dân nên rửa ngay bằng nước sạch, đặc biệt chú ý vệ sinh kỹ vùng kẽ ngón chân, kẽ ngón tay - những nơi dễ đọng nước và bụi bẩn. Cần bảo đảm rửa sạch và lau khô hoàn toàn, tránh tình trạng ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, không nên sử dụng các vật dụng như giày dép, vớ, quần áo khi chúng còn ẩm. Tất cả vật dụng này cần được phơi nắng hoặc sấy khô hoàn toàn trước khi sử dụng, chú ý hạn chế tiếp xúc lâu dài với môi trường nước. Nếu bắt buộc phải di chuyển trong trời mưa hoặc qua đường ngập, cần chuẩn bị sẵn áo mưa, giày chống thấm, ủng và găng tay để bảo vệ cơ thể.

"Đặc biệt, khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường trên da, người dân nên đến bệnh viện thăm khám và điều trị kịp thời. Việc chần chừ có thể khiến bệnh tiến triển nặng hơn, dẫn đến tổn thương, nhiễm trùng, thậm chí hoại tử da. Ngoài ra, người dân không nên tự ý sử dụng thuốc uống, thuốc bôi hoặc áp dụng các phương pháp dân gian tại nhà mà không có sự hướng dẫn của chuyên gia y tế " - một chuyên gia khuyến cáo.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cũng phát đi cảnh báo người dân nên biết bảo vệ sức khỏe mùa mưa bão phòng tránh các bệnh nguy hiểm. Để phòng bệnh cần thực hiện các biện pháp sau: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để ngăn vi khuẩn, virus tấn công cơ thể; tránh dùng tay chạm vào mắt, mũi, miệng vì đây là các điểm dễ nhiễm khuẩn. Thay vào đó, dùng khăn sạch lau mồ hôi và nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý.

Ăn chín uống sôi, tránh thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, đồng thời tăng cường bổ sung vitamin, nhất là C và E, từ hoa quả và rau củ để cải thiện hệ miễn dịch. Uống đủ nước, giúp cơ thể loại bỏ vi khuẩn và ngăn ngừa cảm cúm. Phòng chống muỗi và côn trùng, giữ nhà cửa sạch sẽ, khô ráo, sử dụng các biện pháp diệt muỗi và tránh đọng nước. Tránh vùng ngập nước, hạn chế tiếp xúc với nước bẩn có thể gây nhiễm bệnh da liễu hoặc tiêu chảy. Đặc biệt, khi trời mưa cần tìm nơi trú ẩn, tránh những nơi nguy hiểm như gốc cây, cột điện...

Yêu cầu khẩn từ Cục An toàn thực phẩm

Trong công văn gửi các địa phương về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến khích người dân sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, ăn ngay như lương khô, mì gói, nước uống đóng chai... với những khu vực bị ngập lụt, sạt lở gây chia cắt. Bộ Y tế cũng đề nghị Chi cục An toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn. Tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Trường hợp các nguồn cấp nước như: giếng khoan, giếng khơi bị ngập úng thì phải được lọc và khử trùng trước khi sử dụng theo hướng dẫn của ngành y tế.

Theo các chuyên gia y tế, trong mùa mưa bão, lũ lụt, do sự thay đổi bất thường về thời tiết tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển, đặc biệt là trên các loại lương thực, thực phẩm nếu không bảo quản đúng cách. Các vùng trồng trọt, chăn nuôi bị ngập lụt dẫn đến rau, củ, quả dập nát, hư hỏng, nhiễm bẩn; gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh, từ đó có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi sử dụng.

Trong khi đó, một số đối tượng lợi dụng mùa mưa bão, tâm lý người tiêu dùng, có thể trà trộn, đưa ra thị trường tiêu thụ các loại thực phẩm không bảo đảm an toàn, không có nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm giả, hết hạn sử dụng. Trước tâm lý người dân đổ xô đi mua nhiều thực phẩm, Bộ Công Thương đã khuyến cáo người dân bình tĩnh, dự trữ thực phẩm, nguồn nhu yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức cần thiết. Hiện nguồn cung hàng hóa và giá cả các mặt hàng thiết yếu cơ bản ổn định, không có sự thay đổi nhiều về giá, trừ một số loại rau xanh có tăng giá nhẹ do khó bảo quản. 

Người dân cần bình tĩnh, dự trữ thực phẩm, nguồn nhu yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức cần thiết.

Cách làm nước sạch để sinh tồn

Bộ Y tế khuyến cáo về nguồn nước sinh hoạt ăn uống chỉ sử dụng nguồn nước máy, nếu nơi nào chưa có nước máy thì dùng nguồn nước mưa nhưng phải bảo đảm trữ nước không phát sinh lăng quăng. Khi không có đủ điều kiện đun sôi nước uống trong vùng lũ, lụt, người dân cho nước sạch vào chai nhựa rồi phơi nắng trên mái nhà khoảng 4-5 giờ là coi như nước đã nấu chín. Có nhiều cách làm trong nước, đơn giản nhất là dùng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch. Sau khi nước đã được làm trong cần khử trùng nước. Có thể khử trùng nước bằng hóa chất.

Hóa chất hay dùng là Cloramin B. Cloramin B được đóng gói dưới dạng viên với nhiều hàm lượng khác nhau. Nước đã được khử trùng có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Không khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn làm mất tác dụng khử trùng của Clo. Sau khi khử trùng ngửi thấy mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng. Nếu lỡ cho quá nhiều Clo thì mở nắp, chờ thêm nửa giờ hoặc một giờ nữa cho bớt mùi nồng.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022