Đều đặn thức dậy từ 4h sáng, ông Hùng, 59 tuổi, đạp xe lòng vòng thành phố khoảng 50 km. Có những hôm thời tiết đẹp, ông đạp xe sang tận Đồng Nai, Tây Ninh, đến chiều mới trở về. Thậm chí, khi ra Hà Nội thăm cháu hồi tháng 8, ông vẫn duy trì đạp xe mỗi ngày.

"7 năm trước, không ai nghĩ tôi có thể sống đến giờ, thậm chí bác sĩ từng thông báo gia đình chuẩn bị tinh thần đưa về lo hậu sự", ông Hùng nói.

Từng là trọng tài bóng đá nổi tiếng, đạt danh hiệu Còi vàng đầu tiên Việt Nam vào năm 2006, ông Hùng rất tự tin về thể trạng bản thân. Bởi vậy, khi kết quả xét nghiệm máu thời điểm ấy ghi nhận chỉ số acid uric cao, ông chủ quan, không để ý vì "cảm thấy rất khỏe". Chỉ số này tăng dần theo quá trình ăn uống không kiêng cữ, hay nhậu cùng bạn bè, tiến triển trở thành bệnh gout.

Đến khoảng năm 2013, khi sắp bước sang tuổi 50, ông cảm thấy sức khỏe xuống dốc rõ rệt. Ông ra vào viện nhiều lần để điều trị các cơn viêm đau khớp, chạy chữa khắp nơi, cả đông lẫn tây y, tốn kém rất nhiều. Lúc đầu dùng thuốc, cơn viêm khớp mau khỏi nhưng sau đó các đợt viêm khớp tái diễn càng lúc càng thường xuyên hơn.

Dần dần, ông phải dùng thuốc giảm viêm đau hàng ngày. Điều này khiến khớp bớt đau nhưng cân nặng ngày càng tăng và da mỏng đỏ. Các cục tophi xuất hiện ở tay chân ngày càng nhiều, phải tiểu phẫu bỏ đi. Việc đi đứng trở nên rất khó khăn, ông đồng thời diễn tiến suy thận cấp, mỡ máu cao, huyết áp cao, chân bắt đầu nhiễm trùng, có lúc tiểu ra máu.

Năm 2017, ông phải vào bệnh viện cấp cứu trong đêm. Bác sĩ kết luận tình trạng quá nặng, khả năng khó qua khỏi, khuyên chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Vết nhiễm trùng ở chân còn xuất hiện giòi bọ bên trong, lộ đến tận xương, không thể đi lại được.

BS.CK2 Huỳnh Phan Phúc Linh, chuyên về nội cơ xương khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết ông Hùng là một trong những trường hợp bệnh gout nặng nhất mà bác sĩ từng điều trị. Khi bệnh nhân vào viện, tophi nổi khắp các khớp tay, chân cùng nhiều nốt tophi trên da. Có những nốt ở chân vỡ ra bội nhiễm, lở loét hết da vùng cẳng chân, biến chứng nhiễm trùng huyết.

Nếu bệnh gout kéo dài không được điều trị, các tinh thể axit uric có thể tích tụ bên dưới da tạo thành những cục nhỏ màu trắng hoặc vàng gọi là tophi.

"Đây là tình trạng bệnh rất nặng, có thể tử vong, cần điều trị tích cực để chấm dứt được nhiễm trùng huyết", bác sĩ Linh nói. Thoát nguy kịch, ông Hùng được bác sĩ lên kế hoạch lâu dài điều trị bệnh gout và tình trạng cushing (phù) do dùng quá nhiều loại thuốc có chứa corticoid.

"Tôi chỉ có thể bò bằng hai tay và hai chân để di chuyển lo chuyện vệ sinh. Cảm giác đau khi ấy rất khủng khiếp, muốn bò vào nhà bếp lấy dao cắt luôn hai chân", ông Hùng nhớ lại.

Quằn quại giữa bốn bức tường, ông ngẫm nghĩ hèn nhát tìm đến cái chết, hoặc phải tự chữa cho chính mình. Chọn cách "không đầu hàng số phận", ông cố chịu đau để vệ sinh các vết thương, mua rất nhiều loại thuốc để rửa, sát trùng, hút độc tố mỗi ngày.

Ngoài ra, vị trọng tài nỗ lực ăn uống để có sức chống chọi bệnh, uống thuốc theo đơn bác sĩ. Đồng thời, vốn là võ sư, ông tập thở theo phương pháp khí công, điều hòa hơi thở bên trong, tự lắng nghe cơ thể và sức khỏe.

Nhờ thêm sự động viên của bác sĩ, ông liên tục vô ra bệnh viện điều trị gout, ghép da ở vùng cẳng chân hai bên bị loét nhiễm trùng mất hết lớp da bên ngoài. Khi các vết thương lành dần, ông bắt đầu các bài tập ngồi, tập đứng, tập đi.

"Không khác gì một đứa trẻ, tôi kiên trì suốt hai năm mới có thể đi được những bước đầu tiên", ông nói, đồng thời bày tỏ "lòng biết ơn không bao giờ nói hết" đến các y bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ Linh - những ân nhân đã giúp ông từ cửa tử trở về.

be-nh-gout-copy-5076-1725589157.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lfA9JWMCHTSWhomm2ABueQ

Ông Hùng hiện hồi phục sức khỏe, duy trì đạp xe mỗi ngày, sau những tháng ngày thập tử nhất sinh vì bệnh gout biến chứng nặng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ gần 90 kg, có lúc cân nặng của ông giảm còn 48 kg, song may mắn sức khỏe tiến triển tốt dần. Hiện, ông lên hơn 52 kg, ăn uống ngon miệng, đi đứng sinh hoạt thoải mái, cuộc sống dần trở về bình thường. Khám sức khỏe tổng quát mới đây, các chỉ số xét nghiệm đều ổn, thận từ suy độ 4 trở về độ 1.

Theo bác sĩ Linh, nhờ tuân thủ điều trị định kỳ tốt, bệnh nhân đã cai được corticoid, duy trì được nồng độ acid uric máu ổn định ở mức cho phép, chức năng thận cũng hồi phục và ổn định, cơn gout thưa dần. Một năm nay, ông Hùng không còn các cơn gout tái phát, chỉ còn đang duy trì thuốc hạ acid uric máu.

Gout là một loại bệnh viêm khớp do rối loạn chuyển hóa chất purin trong cơ thể dẫn đến nồng độ chất acid uric trong máu ở mức cao. Bình thường, acid uric được sản xuất tự nhiên bên trong cơ thể, bài tiết qua nước tiểu. Khi nồng độ acid quá cao sẽ gây lắng đọng ở các mô và màng khớp, gây ra tình trạng viêm khớp gout cấp, biểu hiện bởi cơn đau khớp dữ dội, kèm theo sưng nóng đỏ khớp, các mô xung quanh, thường xuất hiện ở khớp ngón chân cái, cổ chân...

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh gout như do ăn thực phẩm có nhiều purin, uống nhiều rượu, sử dụng thuốc điều trị các bệnh khác, do viêm thận mạn tính, suy thận... Người bệnh cần đến các bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để được thăm khám và chỉ định các xét nghiệm cần thiết, giúp chẩn đoán xác định bệnh, đưa ra hướng điều trị phù hợp nhằm duy trì nồng độ acid uric máu trong giới hạn và phòng tránh những đợt viêm khớp tái phát.

Nếu không điều trị hoặc điều trị không phù hợp, bệnh sẽ tiến triển thành mạn tính, gây các cơn viêm đau thường xuyên dai dẳng, tổn thương khớp không hồi phục, biến dạng khớp, tổn thương lên các cơ quan khác như sỏi thận, suy thận không hồi phục...

"Tôi quyết tâm năm sau sẽ ra sân đá bóng cùng các cựu vận động viên lớn tuổi", ông Hùng nói, thêm rằng bệnh gout tuy khó chữa nhưng không phải là không thể đẩy lùi, chỉ cần kiên trì theo hướng dẫn của bác sĩ và quyết tâm thay đổi cách sinh hoạt, ăn uống.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022