Đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, người đàn ông (29 tuổi) có khối u, thâm nhiễm vùng cánh mũi phải. Kết quả sinh thiết cho thấy bệnh nhân bị ung thư biểu mô tế bào đáy.
Theo chia sẻ của người này, cách đây 2 năm, anh cũng được chẩn đoán ung thư da và phẫu thuật 2 lần tại cùng một bệnh viện. Tuy nhiên, sau mổ, tổn thương của anh thường xuyên chảy dịch, đóng vảy trong lỗ mũi.
Đây là một trong số nhiều bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào đáy tái phát sau phẫu thuật Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận gần đây. Các bệnh nhân đến khám có khối u tại vết mổ cũ, lan rộng và xâm lấn sâu hơn.
Hình ảnh mũi tên xanh chỉ khối u tái phát, tổn thương xâm lấn vào niêm mạc cánh mũi, gây co kéo cánh mũi. Ảnh: BSCC
Một trường hợp khác là người phụ nữ 34 tuổi. 5 năm trước, vùng da dưới mi trái xuất hiện sẩn, không đau, không ngứa. Chị đi khám được chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào đáy, phẫu thuật 2 lần tại các bệnh viện địa phương do khối u tái phát.
Khoảng 3 tháng nay, bệnh nhân lại phát hiện tổn thương tại vết mổ cũ. Bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu Trung ương kết luận căn bệnh ung thư của chị đã tái phát. Thời điểm đến khám, bệnh nhân có một u vùng dưới mi trái thâm nhiễm, tăng sắc tố rải rác bề mặt. Chị được chỉ định nhập viện, điều trị nội trú, phẫu thuật và tạo hình lại tổn khuyết.
ThS.BS Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết cả hai trường hợp trên được chẩn đoán là ung thư biểu mô tế bào đáy nguy cơ cao. Sau phẫu thuật và tạo hình lại, tình trạng bệnh nhân ổn định.
Dấu hiệu ung thư biểu mô tế bào đáy
Theo bác sĩ Sơn, ung thư biểu mô tế bào đáy là loại ung thư da thường gặp nhất, chiếm khoảng 75% số ca ung thư da. Trên lâm sàng, loại ung thư này có những đặc điểm là tổn thương bóng, hồng hoặc có sắc tố, bờ nổi cao hình chuỗi hạt ngọc trai hoặc những tổn thương giống sẹo xơ cứng.
Bệnh thường bắt đầu là u kích thước từ một đến vài cm, tiến triển chậm, không ngứa, không đau nên người dân thường không để ý đến. Tuy nhiên, chúng có thể gây viêm nhiễm, loét, hoại tử, phá hủy tổ chức tại chỗ.
Tổn thương thường gặp ở vùng mũi hoặc trán. Bệnh nhân thường có hiện tượng tăng sắc tố vùng tổn thương, thường có màu nâu đen rất dễ nhầm với hiện tượng tăng sắc tố trong ung thư tế bào hắc tố.
Tuy nhiên, nếu bệnh ở giai đoạn sớm, thuộc các thể đặc biệt, tổn thương có thể gây khó khăn cho việc chẩn đoán, dễ nhầm lẫn với các tổn thương lành tính. Do đó, theo bác sĩ Sơn, những bệnh nhân có tổn thương trên da cần được khám và chẩn đoán bởi các bác sĩ chuyên khoa Da liễu.
Nếu khối u giai đoạn sớm, phẫu thuật giúp tỷ lệ điều trị khỏi cao và ít nguy cơ tái phát. Tuy nhiên, mỗi loại ung thư da sẽ có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau.
Theo các chuyên gia, cách phòng bệnh tốt nhất là bảo vệ da khỏi những tác hại của ánh nắng mặt trời bằng cách:
- Mặc quần áo dài tay, đội mũ rộng vành đi ra ngoài trời.
- Bôi kem chống nắng thường xuyên và đúng cách, nhất là vùng da mặt vì đây là khu vực tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời.
- Hạn chế tiếp xúc lâu với ánh nắng, đặc biệt là trẻ em.
- Ngoài ra, cần thăm khám ngay với bác sĩ nếu phát hiện tổn thương trên da có nổi u, cục nhìn như "nốt ruồi"; hoặc xuất hiện các mảng màu da bất thường, có dấu hiệu lan ra, phát triển theo thời gian.