1. Công dụng của gừng đối với sức khỏe tiêu hóa

Để trả lời câu hỏi, người bị trào ngược dạ dày thực quản có nên ăn gừng không, cùng tìm hiểu về công dụng của gừng.

Gừng có tên khoa học là Zingiber officinale Rosc. Trong củ gừng có 2 - 3% tinh dầu, ngoài ra còn có chất nhựa (5%), chất béo (3,7%), tinh bột và chất cay. Gingerol là hợp chất hoạt tính sinh học chính trong gừng. Theo nghiên cứu, gingerol có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa mạnh, giúp chống lại sự lão hóa của các tế bào và hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tim mạch.

Gừng còn có tác dụng làm dịu cơn buồn nôn, hỗ trợ điều trị chứng khó tiêu hiệu quả. Gừng đã được chứng minh là có tác dụng đẩy nhanh quá trình làm rỗng dạ dày, việc làm rỗng dạ dày chậm là nguyên nhân chính dẫn đến chứng khó tiêu.

Trong nghiên cứu, những người mắc chứng khó tiêu không rõ nguyên nhân đã được cho uống viên gừng hoặc giả dược. Nếu những người uống gừng mất 12,3 phút để làm rỗng dạ dày thì những người dùng giả dược mất 16,1 phút. Những tác dụng này cũng đã được đánh giá ở những người không bị khó tiêu. Việc sử dụng gừng giúp đẩy nhanh quá trình làm rỗng dạ dày của họ một cách đáng kể.

trao-nguoc-da-day-2-1723022824907882886671-1723217884657-17232178849861166593343.jpg

Gừng có tác dụng chống viêm và hỗ trợ tiêu hóa hiệu quả.

2. Ăn gừng có giúp cải thiện triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản không?

Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch và thức ăn trong dạ dày trào ngược lên vùng thực quản, họng, thậm chí là miệng, gây ra các các triệu chứng như: ợ chua, ợ nóng, buồn nôn, đau tức, nóng rát ngực, viêm họng...

Ngoài việc dùng thuốc thì chế độ ăn uống phù hợp có vai trò rất quan trọng đối với người bệnh trào ngược dạ dày thực quản vì một số thực phẩm có thể giúp trung hòa acid, giảm bớt lượng acid trào ngược lên thực quản, từ đó làm giảm các triệu chứng khó chịu như ợ nóng, ợ chua, nghẹn họng...

Đặc tính chống viêm của gừng có thể giúp giảm sản xuất acid dạ dày , làm giảm các triệu chứng trào ngược acid, làm giảm tình trạng kích ứng đường tiêu hóa và viêm thực quản.

Khi thức ăn đi từ dạ dày đến ruột non, dạ dày không cần phải sản xuất acid để tiêu hóa nữa. Vì gừng giúp làm rỗng dạ dày nhanh hơn nên có thể làm giảm khả năng trào ngược acid dạ dày lên thực quản.

Theo ThS.BS. Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám, tư vấn dinh dưỡng, Viện dinh dưỡng Quốc gia, nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản thường do lượng dịch vị acid tiết ra quá nhiều, vì vậy chế độ ăn cần ăn các thực phẩm ít gây tăng tiết dịch vị, thực phẩm có thể thấm hút bớt dịch vị dạ dày.

Trong các loại thực phẩm nên ăn thì gừng giúp loại bỏ khí dư thừa, giảm các triệu chứng ợ hơi, giảm đầy bụng, khó tiêu…

trao-nguoc-da-day-3-1723022839209324000257-1723217885733-1723217885944924651475.jpg

Uống trà gừng kết hợp với mật ong giúp cải thiện triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.

Dữ liệu của Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy, gừng là một chất dinh dưỡng quan trọng có tác dụng chống đầy hơi, làm giảm áp lực lên cơ thắt thực quản dưới, giảm co thắt ruột, ngăn ngừa chứng khó tiêu, đầy hơi và chướng bụng.

Về tác dụng của gừng đối với áp lực cơ thắt thực quản dưới, nghiên cứu hiện tại đã kiểm tra tác dụng của gừng đối với chức năng thực quản và cơ thắt thực quản dưới (LES) bằng cách đo áp lực thực quản.

Kết luận cho thấy, gừng không ảnh hưởng đến áp lực LES khi nghỉ ngơi hoặc biên độ và thời gian co bóp của thực quản khi nuốt nhưng làm giãn cơ LES nhiều hơn và làm giảm tốc độ co bóp của thực quản, có thể làm tăng khả năng tống khí dạ dày hoặc tác dụng chống đầy hơi.

Để sử dụng gừng, cách đơn giản nhất là kết hợp gừng như một loại gia vị trong các món ăn hằng ngày; uống trà gừng... bằng các sản phẩm gừng tự nhiên chứ không phải hương liệu.

Cách chế biến trà gừng rất dễ, chỉ cần chuẩn bị gừng tươi 10g, rửa sạch, đập giập, thêm nước đun sôi hoặc cho vào ấm pha trà, đổ nước sôi pha hãm trong 10 phút là uống được. Hoặc có thể làm trà gừng kết hợp với mật ong cũng rất tốt cho người bị trào ngược dạ dày - thực quản do mật ong có đặc tính chống viêm, giúp bao phủ niêm mạc dạ dày, họng và làm dịu họng.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022