Trả lời:
Dầu, mỡ hay còn gọi là chất béo, thuộc nhóm dinh dưỡng chính, có nhiều vai trò với cơ thể. Dầu mỡ là dung môi tốt để hòa tan các vitamin A, D, E, K, tham gia cấu tạo các tế bào và dịch thể của các tổ chức, đặc biệt là não.
Cả hai loại dùng thực vật và mỡ động vật có ưu nhược điểm khác nhau:
Mỡ động vật như mỡ lợn, mỡ bò, mỡ gà chứa chủ yếu các axit béo bão hòa, ưu điểm chịu nhiệt tốt, có thể được sử dụng trong việc chiên xào ở nhiệt độ cao mà không dễ bị oxy hóa như dầu thực vật. Mỡ động vật cũng chứa nhiều vitamin A, D, mang hương vị đặc trưng, giúp tạo ra độ thơm ngon cho món ăn. Tuy nhiên, vì chứa nhiều acid béo bão hòa nên chúng có thể làm tăng mức cholesterol xấu ( LDL) trong máu, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ và các vấn đề về huyết áp.
Dầu thực vật được chiết xuất từ các loại hạt, quả và thực vật như dầu oliu, dầu hạt cải, ưu điểm chứa nhiều acid béo không bão hòa, giúp giảm mức cholesterol xấu (LDL) và tăng mức cholesterol tốt (HDL) có lợi cho sức khỏe tim mạch. Chúng còn giàu omega 3 và omega 6, giúp giảm viêm nhiễm, cải thiện chức năng não, bảo vệ tim mạch. Vitamin E trong dầu thực vật còn có tác dụng bảo vệ da và hỗ trợ sức khỏe miễn dịch.
Song, việc tiêu thụ quá nhiều omega 6 như dầu hướng dương, dầu đậu nành và ít omega 3 như cá, dầu hạt chia, có thể gây ra tình trạng viêm mạn tính. Dầu chế biến công nghiệp (như dầu hydro hóa) có thể chứa chất béo chuyển hóa, gây tác động xấu cho cơ thể. Dầu thực vật không ổn định ở nhiệt độ cao nên không thích hợp cho việc xào rán, dễ bị phân hủy tạo ra các sản phẩm độc hại.
Nhìn chung, bạn nên cân nhắc giữa ưu, nhược điểm để sử dụng hợp lý, cân bằng, sẽ giúp mang lại tác động tốt cho sức khỏe.

Ảnh minh họa: Bùi Thủy
Bác sĩ Trần Đức CảnhKhoa Nội soi và Thăm dò chức năng - Bệnh viện K Trung ương