Tính đến ngày 1/8, hơn 8.000 trường hợp nhiễm virus Oropouche được báo cáo, hầu hết ở Nam Mỹ. Châu Âu cũng báo cáo hàng chục trường hợp khách du lịch mang mầm bệnh này. Đây là lý do khiến giới chức y tế Mỹ lo lắng, tìm các biện pháp để căn bệnh không bùng phát ở nước này.

Tổ chức Y tế Pan American, một chi nhánh khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã đưa ra cảnh báo dịch tễ học đối với virus Oropouche. Cơ quan cũng nâng mức độ rủi ro sức khỏe cộng đồng lên cao đối với khu vực châu Mỹ.

"Căn bệnh được mô tả trong lịch sử với triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, sự lây lan theo vị trí địa lý, các ca nghiêm trọng xuất hiện nhấn mạnh giới chức cần tăng cường giám sát, mô tả biểu hiện nghiêm trọng có thể xảy ra", cơ quan tuyên bố.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng ban hành tư vấn sức khỏe, cảnh báo các nhà cung cấp dịch vụ và cơ quan y tế công cộng đề phòng ca mới. Cơ quan khuyến cáo phụ nữ mang thai tránh du lịch đến vùng dịch. Theo CDC, ít nhất 21 du khách Mỹ trở về từ Cuba có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Oropouche.

Oropouche được đặt tên theo một ngôi làng ở Trinidad và Tobago, nơi virus xuất hiện năm 1995. Kể từ đó, khoảng 500.000 trường hợp đã được ghi nhận. Tuy nhiên, kiến thức của các nhà khoa học về căn bệnh còn hạn chế. Tạp chí y khoa hàng đầu Lancet thậm chí gọi nó là "mối đe dọa bí ẩn" trong một báo cáo gần đây.

Theo CDC, khoảng 60% số người nhiễm bệnh phát triển triệu chứng. Biểu hiện tương tự với sốt xuất huyết hoặc bệnh Ebola, gồm sốt đột ngột, ớn lạnh, nhức đầu, đau cơ và cứng khớp. Các triệu chứng khác có thể là đau mắt, mệt mỏi, và phát ban. Trong một số ít trường hợp, bệnh có thể lây nhiễm vào hệ thần kinh, gây viêm màng não. Virus Oropouche đến từ một họ khác với Zika, song tương đồng về rủi ro và độ bí ẩn.

4sv7p4oacfbutjagbcpcp4k26q-172-9635-8582-1724924211.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FZdhCZj4LwiEpc79Xu6K7Q

Muỗi là vật chủ trung gian truyền bệnh sốt do virus Oropouche gây ra. Ảnh: Pexel

Virus lây lan sang người qua vết côn trùng cắn, đặc biệt là vết đốt của muỗi vằn. Đây là loài đặc hữu của lưu vực sông Amazon ở Nam Mỹ, đặc biệt là nơi rừng rậm. Chu kỳ lây truyền duy trì giữa côn trùng và vật chủ khác như loài gặm nhấm, con lười và chim muông. Đôi khi, bệnh được gọi là "sốt lười". Những người đến thăm, thám hiểm các khu vực này có thể bị côn trùng nhiễm bệnh cắn, mang virus trở lại khu vực đô thị.

Theo Tổ chức Y tế Pan American, biến đổi khí hậu và nạn phá rừng tạo ra nhiều cơ hội cho con người tiếp xúc với côn trùng nhiễm bệnh, làm tăng nguy cơ lây lan. Đợt bùng phát hiện nay lan rộng, nhanh chóng ở những quốc gia virus chưa từng lưu hành, chẳng hạn Bolivia, Brazil, Colombia, Cuba và Peru.

Tiến sĩ Erin Staples, nhà dịch tễ học thuộc Ban Bệnh truyền nhiễm của CDC, cho biết nguy cơ lây truyền cục bộ kéo dài ở châu Mỹ thấp. Tuy nhiên, mức độ rủi ro ở Puerto Rico và Quần đảo Virgin, nơi có hệ sinh thái tương tự Cuba cao hơn.

Các chuyên gia cho biết những thay đổi về mặt địa lý cho thấy virus có thể tìm đường đến các vật chủ trung gian mới. 2024 cũng là năm đầu tiên có báo cáo về trường hợp tử vong do virus Oropouche và bằng chứng cho thấy căn bệnh lây truyền được từ phụ nữ mang thai sang thai nhi, gây ra các rủi ro cho quá trình sinh nở.

Đầu năm nay, Brazil ghi nhận hai ca tử vong ở phụ nữ trẻ, khỏe mạnh. Trường hợp tử vong thứ ba là một người đàn ông trung niên.

"Chúng tôi thấy ngày càng nhiều người nhiễm bệnh, các ca bệnh hiếm gặp và bất thường có triệu chứng lâm sàng hoặc tử vong", tiến sĩ Staples nói.

Hiện chưa có vaccine chống lại virus Oropouche, cũng không có phương pháp điều trị cụ thể nào. Bệnh nhân thường phải xét nghiệm để chẩn đoán, song kit thử không có sẵn tại các phòng khám tư nhân. Họ cần thực hiện trước các xét nghiệm để loại trừ mầm bệnh phổ biến hơn như sốt xuất huyết.

Tiến sĩ Janet Hamilton, giám đốc điều hành Hội đồng Dịch tễ học, cho biết mọi người nên chủ động phòng tránh muỗi đốt, tránh ra ngoài vào lúc bình minh và hoàng hôn, ăn mặc phù hợp để bảo vệ làn da khỏi muỗi và côn trùng, sử dụng thuốc chống muỗi hiệu quả.

Thục Linh (Theo CNN)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022