Vài tháng nay người này đi đại tiện ra máu, táo bón, máu chảy thành tia, nghĩ "trĩ là bệnh nhẹ" không đi khám khiến diễn biến nặng. Ngày 7/4, bác sĩ Bạch Phúc Huy, Trưởng Đơn nguyên Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc - Phúc Trường Minh, cho biết đây là tình trạng trĩ biến chứng đặc biệt nghiêm trọng, mất máu nặng, hồng cầu giảm một nửa, huyết sắc tố chỉ còn 1/3, phải truyền gấp 6 đơn vị máu. Bác sĩ kết luận bệnh nhân bị trĩ độ 4, mức độ nặng nhất.
Do thiếu máu nghiêm trọng, bệnh nhân phải điều trị tại khoa hồi sức trước khi phẫu thuật cắt trĩ. Quá trình can thiệp cũng kéo dài gấp đôi bình thường do sa trĩ nặng, chảy máu nghiêm trọng. Sau mổ, bệnh nhân tiếp tục truyền thêm 4 đơn vị máu, tổng cộng 10 đơn vị, tương đương 3,5 lít máu.

Bác sĩ Bạch Phúc Huy và kíp thực hiện phẫu thuật cắt búi trĩ chảy máu cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo bác sĩ Huy, trĩ là bệnh lành tính nhưng có thể biến chứng nguy hiểm khi không điều trị kịp thời. Khoảng 35-50% người trưởng thành mắc trĩ, phổ biến hơn cảm cúm. Các biến chứng nguy hiểm như chảy máu búi trĩ, sa nghẹt hậu môn, tắc mạch trĩ, hoại tử búi trĩ, nhiễm trùng máu...
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh. Các nghiên cứu ghi nhận bệnh trĩ ở người trẻ thường có những đặc trưng riêng với 6 nguyên nhân nổi bật, gồm: thừa cân béo phì (BMI từ 25 trở lên), béo bụng (vòng eo nam lớn hơn 90 cm, nữ lớn hơn 80 cm), có thai, trầm cảm (thường có xu hướng rối loạn ăn uống, giảm hoạt động thể lực), lười vận động, ít uống nước.
Trong đó, mỡ cơ thể, mỡ nội tạng làm cản trở sự hồi lưu của tĩnh mạch gây ứ đọng tĩnh mạch trĩ. Đồng thời, ở người béo phì, mỡ tiết ra chất gây viêm, thúc đẩy tạo ra trĩ. Ngồi nhiều, ít hoạt động làm tăng áp lực vùng chậu, tăng nguy cơ mắc trĩ.
Ở giai đoạn sớm, người bệnh chỉ cần thay đổi thói quen sinh hoạt và dùng thuốc thì có thể điều trị hết. Búi trĩ nhỏ như trĩ độ 2, có thể dùng các phương pháp ít xâm lấn như cột dây thun, đốt trĩ bằng năng lượng điện như điện lưỡng cực hay quang đông hồng ngoại, chích xơ. Đến giai đoạn 3 hoặc 4, đã có biến chứng chảy máu, tắc mạch, nhiễm trùng... điều trị thường khó khăn, phải dùng các phương pháp xâm lấn, gây đau đớn hơn, dễ biến chứng, nguy cơ tái phát cao.
Thùy An