Dọc theo dòng kênh Chợ Gạo ở ấp Bình Thọ Đông, xã Bình Phan, người dân đã quen với hình ảnh một người phụ nữ gầy gò, chạy chiếc xe máy "long sòng sọc" chở thúng gừng đi giao. Đó là chị Huỳnh Thị Ngọc Diễm, tự nhận mình là người phụ nữ "cả làng ai cũng muốn tránh".

Sinh ra trong nghèo khó, ít học, hai lần đổ vỡ hôn nhân vì "không sinh được con trai" hoặc vì chồng thay lòng, năm 2019 chị Diễm ôm bé Lê Minh Thiện vừa lọt lòng trở về căn nhà 5 m2 nương nhờ cha mẹ già.

Họ đều đã ngoài thất thập, ba nằm liệt giường, má vừa qua cơn đột quỵ. Một mình chị Diễm gồng gánh vừa chăm sóc cha mẹ, vừa lo cho đứa con thơ dại.

1-4-1745744530-3606-1745748081.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=D26DU8q5tp5icW7xIC0MnQ

Chị Ngọc Diễm và con trai Lê Minh Nhật tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố năm 2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ lúc đó, chị gắn bó với nghề cạo gừng để tiện chăm sóc. Một ký gừng cạo sạch vỏ, chị được trả 2.300 đến 2.500 đồng. Mỗi ngày, đầu mối giao cho chị được chừng 20 kg, kiếm được non năm chục.

"Chỉ có mùa Tết gừng non dễ cạo thì may ra, còn mùa này gừng già khó làm lắm, mà đơn hàng ít, muốn làm thêm cũng chẳng có", chị Ngọc Diễm, 46 tuổi, nói.

Cuối giờ chiều hàng ngày, chị tất tả chất gừng lên xe máy đi giao. Hồi chưa có xe, chị phải đội thúng đi bộ hoặc đi mượn xe. "May được hàng xóm cho mượn chiếc xe máy 'cùi bắp', dù kêu to và long sòng sọc gây chú ý lắm, nhưng là cứu tinh của nhà tôi", chị nói.

Hàng tháng, với khoảng một triệu đồng trợ cấp của nhà nước cho bố mẹ già yếu và tiền công cạo gừng, chị Diễm chắt chiu được cho nhà bốn người.

Bé Minh Thiện lớn lên rất hiểu chuyện. Từ khi chào đời, em chưa một lần được tới trường. Lâu lâu có người ghé chơi, hỏi chuyện, thằng bé lí nhí trả lời: "Mẹ cạo gừng chưa có tiền cho con đi học".

Chị Diễm biết con thích đến trường. Chiều chiều, nó cũng thích ra bờ rào, ngóng theo bọn trẻ hàng xóm vai đeo cặp sách trở về. "Tôi dự định, tháng 9 con đủ 6 tuổi, nhất định sẽ cho con đi học lớp 1", chị nói.

Nhưng dịp giáp Tết vừa qua, bé Thiện đổ bệnh. Ban đầu chỉ là lười ăn, uể oải, những dấu hiệu mà người mẹ lam lũ nghĩ đơn giản "chỉ là ốm vặt". Nhưng rồi hai ngày và đến ngày thứ năm, đứa trẻ vốn lanh lợi bỗng nằm bẹp trên giường, ăn uống kém, tiếng cười cũng tắt.

Sáng ngày thứ sáu, chị Diễm hối con dậy ăn. Cậu bé vừa chạm đất đã khuỵu xuống: "Mẹ ơi, con thở không nổi".

Nhìn con lả đi, người mẹ bỏ đống gừng còn ngổn ngang, bật dậy lao tới đỡ. Thằng bé xanh xao như tàu lá. Chị Diễm chỉ kịp hét toáng lên gọi bà ngoại, run lẩy bẩy bồng con chạy ra ngõ. Ngoài đường, chiếc xe ôm chở họ lao thẳng đến bệnh viện huyện.

Đến nơi, bác sĩ khám qua liền thông con chị thiếu máu nặng, phải chuyển viện. Họ vội vã theo xe cấp cứu chạy thẳng đến bệnh viện thành phố Mỹ Tho. Trong luôn chiều hôm đó, bác sĩ làm xét nghiệm máu và thông báo: "Cô phải chuẩn bị tinh thần đi. Con cô có nguy cơ cao bị ung thư máu".

Chị Diễm chết lặng giữa hành lang bệnh viện. Mọi thứ xung quanh như mờ đặc trong mắt. Nhưng không có thời gian để tiêu hóa cú sốc. Người phụ nữ nghèo bị kéo về hiện thực vì bác sĩ thông báo phải chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng thành phố ở TP HCM mới đủ điều kiện chữa trị.

Chị nhìn mẹ mình, bà Tú cũng đang sốc. "Chúng tôi không có sự chuẩn bị nào cả", chị Diễm nói. "Lúc đưa Thiện đi, tôi cứ nghĩ khám bệnh đúng tuyến sẽ không mất tiền gì".

Trên hành lang bệnh viện chiều hôm đó, ai cũng ái ngại cho hoàn cảnh gia đình. Một người nhà bệnh nhân thương tình cho vay 1,5 triệu đồng làm lộ phí. Ba người ra bắt xe khách, xe ôm mất 300.000 đồng tới được bệnh viện Nhi ở quận Bình Chánh. Khám ban đầu hết một triệu đồng, trong túi họ lại sạch trơn.

Bác sĩ thông báo sẽ phải đóng tiền làm các loại xét nghiệm, trong đó có chọc tủy, chi phí trước mắt cần khoảng 17 triệu đồng. Mẹ con chị Diễm lại nhìn nhau, cuối cùng bà Tú đánh liều trở về quê vay một chủ trang trại gà trong xóm.

Nhưng hành trình gian nan chỉ vừa bắt đầu.

1-6-1745745607-3994-1745748081.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VpRuTUsWRdhQggV-Kj8mwA

Bé Thiện ngồi bên cạnh xem mẹ cạo gừng trong ngôi nhà vài m2 ở ấp Bình Thọ Đông, xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang, ngày 26/4. Ảnh: Tú Nguyễn

Những ngày cuối năm, nhà nhà rộn ràng không khí Tết, còn hai mẹ con chị Diễm bám trụ bệnh viện. Bé Thiện yếu, lại phải lấy máu chọc tủy đau đớn, khắp người là kim chuyền. Chị Diễm thức trắng đêm chăm con, sức tàn dần, nhiều lần bị ngất.

Hai tuần sau khi chọc tủy, kết quả xác định bé bị bạch cầu cấp dòng lympho (ung thư máu). Cậu bé bắt đầu phác đồ điều trị đầu tiên.

Giờ đây, bé Minh Thiện đã sang toa hóa trị thứ hai, tuần nào cũng phải lên viện vào thuốc. Nhưng nhiều bữa mới về đến nhà, bé sốt đùng đùng, lại khăn gói trở lại trong đêm. Viện với nhà từ đó như hai đầu một chuyến đò, qua lại không dứt.

"Người ta có tiền chăm con kiểu khác, tôi không có thì yêu con theo kiểu của tôi", chị Diễm nói.

Thay vì mua ổ bánh mỳ, suất cơm dăm ba chục, chị tự làm vừa đảm bảo dinh dưỡng, vùa rẻ. Đêm đêm, người ta có vợ chồng thay nhau để ngủ, nhà chị chỉ có một mình mẹ thức trắng đêm vì chỉ sợ nhắm mắt sẽ lỡ buông rời mất con.

Dù Minh Thiện có bảo hiểm trẻ em hỗ trợ viện phí, chi phí đi lại, ăn uống, thuốc men ngoài danh mục vẫn là gánh nặng khổng lồ. Trong bốn tháng đằng đẵng từ ngày con đi viện, gia đình đã vay mượn khắp nơi, số nợ đội lên hơn 40 triệu đồng.

"Người làng giờ tránh tôi như tránh tà, sợ bị hỏi vay", chị bộc bạch.

Ngày 24/4 bác sĩ hẹn nhập viện, nhưng chưa thể đi. Ít nhất mỗi tuần cũng cần phải 2 triệu đồng, trong khi từ đợt trước về, chị cạo gừng mới để dành được 230.000 đồng.

"Tôi đang rất quẫn trí. Tôi không biết làm cách nào cho con có tiếp tục được điều trị nữa", người mẹ nghẹn ngào.

Trong cái chái nhà thấp tè bên dòng kênh đục phù sa, vẫn còn đó dở dang giấc mơ cậu bé Lê Minh Thiện được đến trường.

Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể đồng hành cùng chương trình tại đây:

  • Tên chương trình: Ten cua ban - Mat troi Hy vong
  • ID chương trình: 195961

Phan Dương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022