Điện Biên rộng hơn 9.500 km2. Khám phá trọn vẹn cảnh sắc Điện Biên cần ít nhất 5 ngày. Tuy nhiên, với lịch trình ngắn hơn, du khách có thể ưu tiên các điểm dừng chân bên trong TP Điện Biên Phủ hoặc cách thành phố vài tiếng đi ôtô như đèo Pha Đin, bản Nậm Cứm, hang Thẩm Púa hay cột mốc A Pa Chải - ngã ba biên giới Việt Nam, Lào và Trung Quốc.
Điện Biên đông khách du lịch nhất vào mùa hoa ban nở rộ (tháng 2, 3) và dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5). Dù vậy, vào các khoảng thời gian khác trong năm, địa phương Tây Bắc vẫn thu hút các hội cựu chiến binh, gia đình và người trẻ. Những ngày đầu hè, Điện Biên nắng nhẹ vào ban ngày, gió mát vào buổi tối; nhịp sống không xô bồ; thích hợp cho các gia đình có người lớn và trẻ nhỏ cùng rong chơi.

Một góc TP Điện Biên Phủ nhìn từ Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.
Di chuyển
Từ Hà Nội lên Điện Biên mỗi ngày có hai chuyến bay với thời gian bay một tiếng. Từ TP HCM cũng có các chuyến bay thẳng hoặc quá cảnh tại Hà Nội. Sân bay Điện Biên Phủ nằm trong thành phố, cách khu trung tâm khoảng 10 phút đi ô tô.
Ngoài ra, từ các tỉnh miền Bắc, du khách có thể chọn xe khách giường nằm lên Điện Biên. Tuy nhiên, cung đường gần 500 km có thời gian di chuyển lên đến 9-10 tiếng.
Tại Điện Biên, du khách có thể thuê xe máy, tự di chuyển tới các điểm trong trung tâm thành phố. Với những cung đường xa hơn, du khách nên đặt taxi với giá khoảng 1,5 triệu đồng/ngày. Đi du lịch gia đình hoặc theo nhóm bạn, mỗi người tốn 300.000-500.000 đồng/ngày cho đi lại.
Lưu trú
Điện Biên có nhiều lựa chọn homestay trong các bản người dân tộc, nhà sàn cộng đồng, khách sạn từ bình dân đến cao cấp. Nếu đi chơi theo quy mô gia đình hoặc nhóm bạn, mức giá lưu trú cho mỗi người khoảng 150.000-200.000/ngày.
Ăn uống
Buổi sáng, hàng quán trong thành phố bán đủ các món điểm tâm cơ bản như bún, phở, bánh đa, bánh cuốn... giá 30.000-50.000 đồng/phần. Vào bữa trưa và bữa tối, du khách có thể lựa chọn giữa quán ăn bình dân với giá 50.000-70.000 đồng/người hoặc nhà hàng với chi phí 150.000-250.000/người, tùy thuộc thực đơn.
Như nhiều tỉnh miền núi Tây Bắc khác, ẩm thực Điện Biên thu hút thực khách với các món chế biến từ thịt rừng, các món thịt và cá xiên nướng ăn kèm rau và măng rừng, xôi lá cẩm...







Điểm đến
Những ngày tháng 5 lịch sử, khắp nơi trên đất Điện Biên treo pano, biểu ngữ chào mừng 71 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Bốn di tích quan trọng của chiến thắng vĩ đại này bao gồm Đồi A1, Hầm Đờ Cát, Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ và Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đều thuộc địa phận TP Điện Biên Phủ. Mỗi điểm đến có giá vé 20.000 đồng/người, khách tham quan trên 60 tuổi được giảm nửa giá. Trong khi, Đền thờ liệt sĩ và Nghĩa trang liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ không thu vé vào cửa. Ngoài ra, một số điểm đến khác đáng để check-in
Hồ Pá Khoang
Hồ thuộc địa phận hai xã Pá Khoang và Mường Phăng, cách TP Điện Biên Phủ gần 20 km, ở độ cao 900 m so với mực nước biển và rộng khoảng 600 ha. Đây là hồ chứa thủy lợi, cung cấp nước cho cánh đồng Mường Thanh.

Ngồi thuyền trên hồ Pá Khoang mang lại sự thư giãn, tách biệt với nhịp sống hối hả thường ngày.
Ngồi thuyền trên hồ Pá Khoang, du khách ngắm cảnh trọn vẹn một vòng hồ trong khoảng một tiếng. Mỗi chuyến thuyền dành cho tối đa 8 khách với giá 400.000-500.000 đồng. Nước hồ xanh, lên cao vào giáp Tết và đầu năm mới. Buổi đầu hè, nước hồ rút xuống, để lộ khoảng đất cao dưới chân các triền đồi cùng bộ rễ của cây rừng trăm tuổi.
Gió hồ thổi lên mát lộng, không gian vắng lặng, nơi đây là điểm dừng chân lý tưởng để thư giãn hoặc ngắm hoàng hôn. Giữa hồ, đôi khi có những nhà bè quăng lưới kéo tôm, cá. Mỗi buổi chiều, nhiều người dân địa phương đến bờ hồ câu cá. Du khách có thể mua cá, gà của dân quanh đây, mang lên những ngọn đồi ven hồ rồi nhóm lửa, làm tiệc nướng.





Cánh đồng Mường Thanh
Cánh đồng lớn nhất Tây Bắc rộng 140 km2, trải dài 20 km, nằm ở ngoại diên TP Điện Biên Phủ, cách cửa khẩu Tây Trang (biên giới Việt - Lào) chưa tới 30 km. Những rặng lúa xanh ngăn cách đường cái ồn ào, ám khói bụi với những con đường nhỏ, tĩnh mịch dẫn vào các bản làng của người dân tộc Thái.
Cuối tháng 4 và đầu tháng 5, đi giữa cánh đồng lúa trổ bông, hít hà hương thơm đồng nội dưới ánh nắng nhẹ ngày đầu hè, cảm giác thư thái và dễ chịu. Ban ngày, dân địa phương miệt mài thăm đồng, chăm lúa. Khi chiều xuống, đám trẻ tan học hối hả đạp xe về nhà hay nhẩn nha thả diều, chạy chơi. Không gian phủ ngập sắc xanh êm đềm ấy cũng là điểm đến lý tưởng để "săn" bình minh và "bắt lấy" ánh hoàng hôn.

Cánh đồng Mường Thanh lúc chiều tà.
Đồi A1
Thời chiến, đồi A1 là cứ điểm quan trọng của Pháp, được quân đội thực dân xây dựng thành ổ đề kháng mạnh nhất với hệ thống hầm ngầm kiên cố, bố trí hỏa lực mạnh. Mở màn ngày 31/3/1954, trận đánh đồi A1 kéo dài 39 ngày đêm, là trận đánh quan trọng làm nên đại thắng Điện Biên Phủ.
Di tích đồi A1 ngày nay nằm trên đường Võ Nguyên Giáp, phường Mường Thanh. Tại đây, căn cứ chỉ huy, các đường hào tiếp viện của quân Pháp cũng như đường hầm ngầm do các chiến sĩ của ta đào xuyên núi để tấn công vào cứ điểm A1, hố bộc phá lớn được tạo ra bởi 960 kg thuốc nổ vào tối 6/5/1954 được lưu giữ. Leo lên đỉnh đồi, băng qua những thảm hoa vàng, cỏ xanh, đi bộ men theo các đường hào, chui vào các căn hầm bên trong căn cứ A1 là trải nghiệm nhiều cảm xúc cho du khách.







Hầm Đờ Cát
Hầm Đờ Cát cũng nằm tại phường Mường Thanh, cách đồi A1 khoảng ba phút đi xe. Hầm dài 20 m, rộng 8 m, gồm bốn gian, là nơi làm việc và nghỉ ngơi của tướng Christian de Castries cùng bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nóc hầm lợp bằng các tấm thép hình vòm, bên dưới là nhiều bao cát xếp chồng lên nhau.
Bên trong di tích hiện tại, bàn ghế, bản đồ, bảng kế hoạch được xếp trong phòng làm việc của tướng lĩnh Pháp, mô phỏng một phần của cơ quan đầu não của chế độ thực dân tại Điện Biên cách đây 7 thập kỷ.




Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ
Từ trung tâm TP Điện Biên Phủ, ngồi ôtô 40 km băng qua những cung đường núi ngoằn ngoèo, du khách tìm đến xã Mường Phăng. Nơi đây, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ẩn mình trong rừng, lưng tựa núi. Nhờ địa thế hiểm trở như vậy, cơ quan đầu não của chiến dịch được bảo đảm an toàn từ cuối tháng Một đến giữa tháng 5 năm 1954.
Từ cổng di tích, du khách đi bộ gần 2 km đường mòn, bước vào giữa rừng cây cao phủ xanh mướt, ngang qua từng lán sinh hoạt và làm việc của bộ chỉ huy chiến dịch năm xưa. Mỗi lán được dựng đơn sơ, bên cạnh kèm theo đường hầm nhỏ dùng trong tình huống khẩn cấp.

Lán làm việc và sinh hoạt của đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm ở gần cuối cung đường rừng, kế bên là cửa hầm xuyên núi.








Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ
Đền thờ được xây dựng trên di tích đồi F, nay là đường Hoàng Văn Thái, phường Mường Thanh. Ngọn đồi nằm liền sát phía đông đồi A1, trong kháng chiến có nhiệm vụ quan trọng để Quân đội Nhân dân Việt Nam khống chế và làm bàn đạp tấn công sang đồi A1. Rất nhiều chiến sĩ hy sinh tại đây, do đó đồi F còn được gọi là đồi tử địa.
Công trình Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ rộng 847 m2 với kiến trúc ấn tượng. Sau khoảng 200 bậc thang là khuôn viên ngoài trời của đền thờ với cổng vòm, hồ tưởng niệm. Bên trong là điện thờ uy nghi có mái ngói đỏ, cột nhà và cửa nhà bằng gỗ.
Không khí trang nghiêm bao trùm, đền thờ liệt sĩ trên đỉnh đồi F cũng là địa điểm ngắm bình minh và hoàng hôn tuyệt đẹp của Điện Biên.

Hồ tưởng niệm tại Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ
Từ chân đồi D1 ở trung tâm thành phố, du khách lên đến tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ - công trình tượng đồng lớn nhất Việt Nam hiện tại. Tượng cao 12,6 m, được đúc bằng 217 tấn đồng nguyên chất. Tác phẩm của nhà điêu khắc Nguyễn Hải mô phỏng hình ảnh ba bộ đội nâng trên vai một em bé người Thái, là biểu tượng của khát vọng hòa bình.
Hơn 70 năm qua đi, người dân tại Điện Biên vẫn nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ với lòng biết ơn sâu sắc. "Không nhờ đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến thắng Điện Biên Phủ, người dân thế giới và thậm chí Việt Nam không biết đến Điện Biên", nhiều người địa phương nói.

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tắm khoáng nóng
Đây là một "đặc sản" được dân Điện Biên vẫn thường gợi ý cho khách thập phương. Nguồn khoáng nóng tự nhiên có lợi cho xương khớp và giúp thư giãn, giảm stress.
Dịch vụ tắm khoáng nóng thường tích hợp với nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng tại các khu du lịch sinh thái sâu trong núi, cách TP Điện Biên Phủ khoảng 20 km. Phòng tắm khoáng chia làm nhiều loại: phòng riêng một người có giá khoảng 150.000 đồng, phòng cho hai người khoảng 250.000 đồng, phòng cho ba người trở lên giá khoảng 500.000 đồng. Mỗi lần tắm khoáng tối đa một tiếng.
Bài - ảnh: Phong Kiều