Hơn hai năm qua, Bệnh viện Chợ Rẫy là nguồn duy nhất cung cấp thuốc phóng xạ chụp PET/CT chẩn đoán ung thư ở cả ba bệnh viện TP HCM, gồm Chợ Rẫy, Quân y 175 và Ung bướu. Hiện, lò này đã hoạt động hơn 15 năm, công suất giảm, hay hư hỏng phải bảo trì sửa chữa, dẫn đến khó đáp ứng nhu cầu các bệnh viện. Có những đợt lò hỏng, bệnh viện phải gửi sang Mỹ sửa chữa, gây gián đoạn thời gian dài, bệnh nhân phải ngược ra Hà Nội, thậm chí sang nước ngoài chụp PET/CT.

Đơn cử, người đàn ông 40 tuổi mắc ung thư di căn xương, được chỉ định chụp PET/CT tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên, lò thuốc phóng xạ của bệnh viện bị hỏng, phải đợi sửa chữa. Anh liên hệ Bệnh viện Quân y 175 lẫn Ung bướu TP HCM cũng không chụp được vì hai nơi này đều phụ thuộc vào nguồn thuốc phóng xạ của Chợ Rẫy.

Anh đáp chuyến bay từ TP HCM ra Bệnh viện K (Hà Nội), bởi "đau nhiều nên muốn chụp nhanh để điều trị sớm, ở TP HCM thì không biết phải đợi đến bao giờ". Thay vì được bảo hiểm chi trả phần lớn nếu điều trị đúng tuyến, anh phải tự bỏ ra 27 triệu đồng chi phí chụp PET/CT theo yêu cầu, chưa kể tiền vé máy bay, chi phí ăn ở, di chuyển bằng taxi tốn thêm gần 10 triệu đồng.

bv-9-JPG-9156-1722776954.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-nks9DbJ4ibfrZsR4VdZ1g

Pha chế thuốc phóng xạ chẩn đoán ung thư tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Quỳnh Trần

TS.BS Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết thuốc phóng xạ sản xuất ra có thời gian rất ngắn, phải sử dụng trong khoảng vài giờ. Vì vậy, khi lò bị hỏng hoặc thiếu thuốc, bệnh viện không thể chuyển thuốc từ các tỉnh thành khác đến thay thế.

PET/CT là phương tiện chẩn đoán, theo dõi, điều trị nhiều bệnh lý, có vai trò khá quan trọng với nhiều người bệnh ung thư. Trong khi các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác thường chỉ áp dụng ở một vùng cơ thể, PET/CT có thể khảo sát toàn thân, giúp chẩn đoán bệnh ở mức độ tế bào, có độ nhạy, độ đặc hiệu, chính xác cao, khả năng phát hiện tổn thương và bệnh lý ở giai đoạn rất sớm.

Một số trường hợp, máy CT, MRI hay siêu âm không thể đáp ứng mà cần đến PET/CT để có được chẩn đoán chính xác nhất, đánh giá được mức độ di căn của bệnh, sự đáp ứng của bệnh nhân, từ đó quyết định tiếp tục hướng điều trị cũ hay sẽ thay đổi... Đây là loại máy hiện đại nhất, chi phí đầu tư rất cao lên đến hàng triệu USD. Giá một lần chụp khoảng 25-27 triệu đồng, do đó bác sĩ chỉ định rất chặt chẽ và lựa chọn những trường hợp thật sự cần thiết mới yêu cầu thực hiện.

TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết nhiều năm trước, bệnh viện hợp đồng với Công ty cổ phần y học Rạng Đông để được cung cấp thuốc phóng xạ. Sau đó, công ty gặp vướng mắc trong thủ tục không thể sản xuất, nên phải phụ thuộc vào lò duy nhất từ Chợ Rẫy. Bệnh viện Ung bướu được trang bị hai máy chụp PET/CT, công suất có thể lên đến 50-60 ca mỗi ngày.

"Hiện bệnh viện chỉ chụp trung bình khoảng 7-9 ca mỗi ngày, mỗi tuần ba ngày, từ nguồn cung ứng thuốc phóng xạ do Chợ Rẫy chuyển nhượng, đáp ứng chưa đến 1/3 nhu cầu, khiến bệnh nhân thường phải chờ nhiều ngày", bác sĩ Tuấn nói.

Tương tự, Bệnh viện Quân y 175 mỗi ngày cũng chỉ chụp PET/CT cho khoảng 7 bệnh nhân, chưa đáp ứng được một nửa nhu cầu. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng chỉ tiếp nhận khoảng 50 ca chụp mỗi tuần, khá thấp so với nhu cầu đang ngày càng tăng. Nguồn cung ứng thuốc thỉnh thoảng gián đoạn có thể khiến bệnh nhân ung thư bị ảnh hưởng vì không được kịp thời điều trị.

233A9864-4295-1722776954.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=V3AqyFHCk6QnGjD1Bo8DRw

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chụp PET/CT cho bệnh nhân ung thư. Ảnh: Quỳnh Trần

Sở Y tế TP HCM vừa gửi văn bản đến Bộ Khoa học và Công nghệ, kiến nghị gỡ vướng các thủ tục pháp lý, để lò sản xuất Công ty cổ phần y học Rạng Đông tại TP HCM sớm đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Thuốc phóng xạ do công ty này sản xuất đã được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp giấy đăng ký lưu hành năm 2023.

Tuy nhiên, do địa điểm sản xuất của công ty tại TP Thủ Đức nằm trong khuôn viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ - Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) và đang trong quá trình thực hiện các thủ tục về quản lý tài sản công nên công ty chưa thể đưa dây chuyền vào hoạt động. Công ty cũng đã kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tạo điều kiện, hỗ trợ phối hợp thực hiện các thủ tục pháp lý để sớm có thể sản xuất thuốc phóng xạ.

Trả lời VnExpress ngày 5/8, ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Năng lượng nguyên tử Việt Nam, cho biết Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ có một xưởng để trống, diện tích khoảng 200 m2. Công ty cổ phần y học Rạng Đông mong muốn hợp tác đặt máy sản xuất phóng xạ vào đấy, nhằm tận dụng sự hiểu biết của cán bộ đơn vị về hạt nhân cũng như đảm bảo an toàn bức xạ, thuận lợi hơn cho sản xuất.

"Do những thủ tục, quy trình quản lý tài sản công phải làm nhiều bước theo quy định của nhà nước nên tốn nhiều thời gian. Chúng tôi đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ, dự kiến một vài tháng tới công ty có thể sản xuất thuốc, phục vụ nhu cầu người bệnh", ông Thành nói.

Họp báo hôm 1/8, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hải Nam, cho biết ngành y tế thành phố không chỉ tiếp nhận, điều trị cho người dân trên địa bàn mà còn từ các tỉnh, thành khác. Do đó, về lâu dài, nơi này cần được trang bị thêm các lò đủ khả năng cung ứng chất phóng xạ cho các cơ sở y tế chuyên ngành. Thành phố cũng đang xây dựng các đề án xã hội hóa y tế, trong đó Bệnh viện Ung Bướu chủ trì hai dự án liên quan xây dựng nguồn cung dược chất phóng xạ.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022