Hôm 13/12, ThS.BS Nguyễn Văn Hải, Phòng Sức khỏe Tâm thần người cao tuổi và Y học giấc ngủ, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh nhân bị Alzheimer - gây chứng sa sút trí tuệ, hoang tưởng, kèm tăng huyết áp. Người bệnh được điều trị suy giảm nhận thức, uống chống loạn thần.

Người nhà cho hay cụ ông mất vì ung thư 7 năm trước, bà ở cùng con trai cả, gia đình hòa thuận. Khoảng 4 năm nay, bà thường xuyên quên không uống thuốc, quên bật nút nấu cơm... Các triệu chứng nặng dần, thậm chí bà đi ra ngoài không nhớ đường về, cất tiền nhưng không tìm lại được nên nghi ngờ con dâu lấy cắp.

Gần đây, bà hay lo sợ có người ăn cắp đồ đạc trong nhà, khóa chặt cửa đề phòng, vài ngày đòi thay khóa một lần. Nhiều đêm bà không ngủ, đi lại quanh nhà để trông đồ đạc. Những phản ứng bất thường ngày càng quá mức, gia đình đưa bà đến Bệnh viện Bạch Mai.

Sau 17 ngày điều trị, hiện người bệnh tỉnh, tiếp xúc được, hết hoang tưởng, cảm xúc và hành vi tạm ổn định, ngủ được nhiều hơn.

1-jpeg-1734060286-1734060336-2505-1734060413.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OUfJHkkZD3f-a0EU43mGYw

Bác sĩ Viện Sức khỏe Tâm thần tư vấn cho một bệnh nhân. Ảnh: Diệu Hiền

Alzheimer là bệnh lý tâm thần phổ biến ở người cao tuổi, nguyên nhân hàng đầu gây sa sút trí tuệ - hậu quả của quá trình thoái hóa dẫn đến chết tế bào thần kinh. Thống kê cho thấy có khoảng 500.000 người trên 60 tuổi tại Việt Nam mắc sa sút trí tuệ (chiếm 5% dân số ở độ tuổi này). Sa sút trí tuệ là nguyên nhân tử vong đứng thứ 7 và là nguyên nhân gây tình trạng khuyết tật cũng như phụ thuộc hàng đầu ở người cao tuổi.

Bệnh Alzheimer thường khởi phát âm thầm, khiến nhiều người không nhận ra, hoặc nhầm lẫn những dấu hiệu quên nhớ với quá trình lão hóa tự nhiên. Một số dấu hiệu nhận biết sớm là suy giảm trí nhớ, bệnh nhân gặp khó khăn trong việc nhớ các sự kiện gần đây, quên những việc vừa làm, hỏi đi hỏi lại cùng một thông tin, quên các từ ngữ hoặc tên gọi quen thuộc, quên vị trí để chìa khóa, mắt kính hoặc các vật dụng thường ngày khác, quên tắt bếp khi nấu ăn...

Bệnh nhân còn giảm tiếp thu thêm thông tin mới, giảm tập trung, chú ý, khả năng lập kế hoạch, vốn từ, sự lưu loát khi nói và viết... Với người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn lipid máu, bệnh lý mạch máu não hay nghiện rượu, hút thuốc, lười vận động sẽ tăng nguy cơ bị Alzheimer. Ngoài ra, Alzheimer cũng liên quan đến yếu tố gene, tuổi tác và giới tính. Những người cô đơn, cô lập xã hội có thể tăng nguy cơ phát triển sa sút trí tuệ.

"Mọi người nên tích cực tham gia các hoạt động xã hội, duy trì mối quan hệ với gia đình, bạn bè, tăng sự tương tác giúp giảm nguy cơ phát triển sa sút trí tuệ", bác sĩ Hải nói.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022