Thông tin được nêu tại hội thảo "Kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai vaccine sốt xuất huyết trên thế giới và Việt Nam", do Hội Nhi khoa Việt Nam cùng Công ty TNHH dược phẩm Takeda Việt Nam tổ chức, tại TP HCM, cuối tháng 3. Sự kiện thu hút hơn 500 cán bộ, nhân viên y tế cả nước, gồm tham gia trực tiếp lẫn trực tuyến.
Diễn biến bệnh khó lường
Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và dịch bệnh đang có xu hướng diễn biến phức tạp, mở rộng vùng phân bố, không theo chu kỳ, khó dự đoán.
PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, dẫn chứng nhiều người trở nặng nhanh chóng dù trước đó khỏe mạnh, không có bệnh nền. Có trường hợp sau 4-5 ngày sốt, rơi vào tình trạng sốc, xuất huyết, tổn thương gan, giảm tiểu cầu nặng, phải điều trị hồi sức tích cực kéo dài mới qua cơn nguy kịch.
Người bệnh có thể đối mặt loạt di chứng dai dẳng sau vài tuần, thậm chí vài tháng như rụng tóc, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, đau đầu kéo dài, đau khớp và trầm cảm nhẹ sau khỏi bệnh.
TS.BS Nguyễn Huy Luân - Trưởng đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết một ca sốt xuất huyết Dengue nặng không chỉ đe dọa tính mạng người bệnh, mà còn tiêu tốn nhiều nhân lực, chi phí. "Có ca sốt phải điều trị vài tháng, tổng gần cả tỷ đồng", TS Luân nói.

Các chuyên gia chia sẻ về sốt xuất huyết. Ảnh: Takeda
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, kiêm Phó chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, chỉ vài ca sốt xuất huyết nặng cũng đủ khiến hệ thống y tế căng thẳng. Có đêm cao điểm, phòng cấp cứu tiếp nhận 30 ca nặng. Một số trẻ hôm trước vẫn đi học, ngày sau lập tức trở nặng, mọi việc diễn tiến chỉ trong 24 tiếng.
Trước nguy cơ sốt xuất huyết có thể diễn biến nặng, Bộ Y tế khuyến cáo nhóm điều trị ngoại trú cần theo dõi kỹ và liên tục tái khám. Dù chưa có dấu hiệu cảnh báo, vẫn nên để ý kỹ, nhập viện kịp thời nhằm phát hiện sớm biến chứng, nhất là trường hợp dư cân, béo phì, người trên 60 tuổi, mắc bệnh mạn tính, sống một mình...
Chủ động phòng sốt xuất huyết
Dù hiểu rõ chủng virus, vector (trung gian truyền bệnh), phương pháp chẩn đoán lẫn cách thức điều trị, sốt xuất huyết Dengue là một trong những bệnh truyền nhiễm vẫn lan rộng, phức tạp, dần nghiêm trọng hơn do tác động của biến đổi khí hậu.
GS.TS Vũ Sinh Nam, cố vấn cao cấp về sốt xuất huyết, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhấn mạnh bệnh không còn là vấn đề riêng của miền Nam, mà ảnh hưởng không nhỏ đến Tây Nguyên, Bắc Trung bộ, miền Bắc và các tỉnh miền núi.
"Đáng lo hơn, dịch này rất khó dự đoán, không còn theo chu kỳ như trước", GS.TS Vũ Sinh Nam nói và liệt kê năm 2022, nước ta có 171.000 ca mắc sốt xuất huyết và hơn 140 trường hợp tử vong. Năm 2024, Hải Phòng là địa phương có nhiều ca bệnh nhất cả nước.
Để phòng ngừa kịp thời, các chuyên gia nhấn mạnh sự cấp thiết của biện pháp toàn diện gồm: kiểm soát vector để tiêu diệt muỗi Aedes, tăng cường giáo dục cộng đồng và quản lý môi trường. Trong đó, tiêm chủng là công cụ quan trọng, giúp chủ động giảm tỷ lệ nhập viện lẫn ca tử vong do bệnh gây ra.
Trước 500 quan khách ở hội thảo, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), nhận định "không thể đợi có dịch mới dự phòng", đồng thời kêu gọi truyền thông rõ biện pháp tích hợp - từ kiểm soát muỗi quanh năm đến chủ động tiêm phòng, để mỗi người dân thành mắt xích trong nỗ lực phòng, chống bệnh.
Bác sĩ Derek Wallace, Chủ tịch toàn cầu mảng vaccine Takeda, nhắc lại việc WHO khuyến nghị các quốc gia có tốc độ lây nhiễm cao, chịu nhiều gánh nặng dịch nên đưa vaccine sốt xuất huyết vào sử dụng, tối đa hóa tác động đến sức khỏe cộng đồng.
Hiện vaccine Takeda được phê duyệt tại 40 quốc gia, với hơn 12 triệu liều phân phối toàn cầu, gồm cả chương trình tiêm chủng dịch vụ hay mở rộng (cấp tỉnh thành lẫn quốc gia).
Theo bác sĩ Derek Wallace, Takeda đặt mục tiêu sản xuất 100 triệu liều mỗi năm vào 2030, mở rộng năng lực sản xuất tại Đức, Ấn Độ nhằm đáp ứng nhu cầu toàn cầu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cam kết tiếp tục theo dõi dữ liệu an toàn và đánh giá tác động sau tiêm.
Ông Benjamin Ping, Tổng giám đốc Takeda Việt Nam, khẳng định: "Phòng ngừa sốt xuất huyết cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên. Chúng tôi cam kết đóng góp vào nỗ lực chung của Việt Nam thông qua chiến lược phòng ngừa tích hợp gồm tiêm chủng, nâng cao nhận thức cộng đồng và hợp tác chặt chẽ với các đối tác y tế để mở rộng khả năng tiếp cận vaccine sốt xuất huyết, đồng thời giảm thiểu tác động của bệnh".
Bộ Y tế cảnh báo sốt xuất huyết Dengue diễn biến phức tạp và có thể bùng phát diện rộng thời gian tới, nhất là khi nước ta chuẩn bị bước vào mùa mưa - giai đoạn cao điểm của dịch. Theo báo cáo của HCDC, từ đầu đến 13/4, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue tại TP HCM là 6.318 ca, gấp gần 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt mức trung bình ba năm gần đây.
Thiên Hà