Chính quyền quận Saha, thành phố Busan, hồi tháng 3 đưa ra chính sách hỗ trợ lên tới 20 triệu won (14.700 USD) cho các đôi kết hôn sau khi tham gia sự kiện mai mối do quận tổ chức. Ngoài ra, họ còn được hỗ trợ 500.000 won (365 USD) phí hẹn hò, một triệu won chi phí đính hôn và trợ cấp đi lại 10 triệu won (7.300 USD).
"Chương trình nằm trong chính sách dân số của chúng tôi nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tỷ lệ sinh thấp và suy giảm dân số trong khu vực", một viên chức quận cho biết, đồng thời nói thêm chưa có đôi nào nhận được tất cả các khoản hỗ trợ.

Một cô dâu tại đám cưới tập thể ở Gapyeong, Hàn Quốc, ngày 7/2/2020. Ảnh: AFP
Các thành phố khác cũng triển khai sáng kiến tương tự. Tại huyện Geochang, tỉnh Nam Gyeongsang, vợ chồng mới cưới trong độ tuổi 19-45 cư trú trong huyện hơn ba tháng sẽ nhận trợ cấp 600.000 won mỗi năm trong ba năm.
Chính quyền huyện Hadong cùng tỉnh vừa tăng mức khuyến khích kết hôn từ 5 triệu lên 6 triệu won (4.400 USD). Một số huyện và thành phố khác bao gồm Goseong, Uiryeong và Miryang, cũng có chính sách trợ cấp kết hôn 1-2 triệu won.
Xu hướng này không chỉ giới hạn ở vùng nông thôn. Seoul, nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất trong số 17 thành phố và tỉnh lớn của Hàn Quốc năm ngoái là 0,58 (tỷ lệ sinh khuyến nghị là 2,1), dự định đưa ra "quỹ khởi đầu hôn nhân" một triệu won trợ cấp một lần cho các đôi mới đăng ký kết hôn từ tháng 10 tới.
Tỉnh Gyeonggi sẽ cung cấp số tiền tương tự cho các đôi vợ chồng mới cưới trong độ tuổi 19-39 từ tháng 6. Tại một số khu vực, chính quyền địa phương còn hào phóng hơn. Chính quyền huyện Sunchang, tỉnh Jeolla Bắc, dùng ngân sách địa phương hỗ trợ 10 triệu won mỗi năm trong 4 năm cho các đôi mới cưới cư trú trong huyện ít nhất một năm.
Thành phố Gimje và huyện Jangsu duy trì các chương trình tương tự từ năm 2020 và 2018. Chính quyền huyện Hwasun ở tỉnh Jeolla Nam và huyện Yeongdong ở Chungcheong Bắc cũng hỗ trợ 10 triệu won chia theo từng đợt trong 5 năm.
Số lượng chương trình hỗ trợ ngày càng tăng, nhưng chưa thể chứng minh hiệu quả. Chính quyền thành phố Jinju, tỉnh Gyeongsang Nam, trợ cấp kết hôn 500.000 won cho hơn 4.000 đôi từ năm 2021, nhưng tỷ lệ kết hôn không thay đổi rõ rệt.
Tại huyện Jangsu, nơi đã áp dụng chương trình hỗ trợ 10 triệu won trong 8 năm, tỷ lệ kết hôn vẫn giảm trừ một đợt tăng ngắn năm 2023 và 2024.
"Liệu có ai lập gia đình chỉ để nhận được khoản hỗ trợ không?", một viên chức chính quyền địa phương trả lời phỏng vấn hôm 24/5. "Tuy nhiên, có hỗ trợ vẫn tốt hơn là không có".
Các chuyên gia nhận định những chương trình khuyến khích kết hôn này có thể lặp lại sai lầm của chính sách trợ cấp sinh con, đã không thể đảo ngược tỷ lệ sinh đang suy giảm dù đã nhiều năm chi tiền hỗ trợ cho các bậc cha mẹ có con sơ sinh, trợ cấp nuôi con và tặng phiếu thanh toán dịch vụ trông nom trẻ em.
"Các chính sách nên tập trung vào việc tạo ra môi trường mà người ta vừa có thể làm việc, vừa có thể chăm nom gia đình, đồng thời làm giảm gánh nặng mua hoặc thuê nhà", Hong Suk-chul, giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul nói. "Các chương trình khuyến khích dựa trên tiền mặt hiện nay đưa ra do cạnh tranh giữa các địa phương và được thực hiện quá vội vàng, đang làm méo mó bối cảnh chính sách và cần được tái cấu trúc".
Hồng Hạnh (Theo Korea Times)