Bệnh tiểu đường là một bệnh mãn tính liên quan đến rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể. Khi mắc bệnh, cơ thể không thể sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng insulin một cách hiệu quả, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao.

Ngày nay, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ngày càng gia tăng do nhiều nguyên nhân. Lối sống hiện đại với chế độ ăn uống chứa nhiều đường, chất béo và thiếu chất xơ… kết hợp với việc thiếu vận động hàng ngày là những yếu tố hàng đầu dẫn đến béo phì - một nguyên nhân quan trọng của bệnh tiểu đường loại 2.

1-17237283357381781615586.jpg

Bệnh tiểu đường đang ngày càng gia tăng trong xã hội hiện đại.

Nhìn chung, bệnh tiểu đường là một bệnh lý nguy hiểm với nhiều biến chứng phức tạp. Nếu không kiểm soát tốt, tiểu đường có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người bệnh. Vậy nên, chúng ta cần phải có biện pháp phòng ngừa ngay từ bây giờ.

Khi ăn chỉ cần làm 1 việc chị em sẽ vừa giảm cân lại phòng bệnh tiểu đường

Ăn là việc mà chúng ta luôn làm hàng ngày nhưng chẳng mấy ai để ý rằng phải ăn như thế nào, nhai nuốt ra sao để mang lại hiệu quả cao nhất. Hầu như chúng ta thường nhai qua loa vì thói quen, hoặc do thời gian không cho phép.

Theo các chuyên gia, tốc độ nhai thức ăn có ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tổng thể, đặc biệt là làm giảm nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa như tiểu đường. Cụ thể, việc nhai chậm sẽ giúp chúng ta có sức khỏe tốt hơn.

Nhai là việc đầu tiên trong quá trình tiêu hóa thực phẩm. Khi chúng ta nhai chậm và kỹ, thức ăn sẽ được nghiền nát nhiều hơn, giúp các enzyme tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. Chưa kể còn tăng giải phóng một số chất dinh dưỡng nhất định, nhờ vậy mà giúp cơ thể hấp thụ nhiều chất hơn, khỏe mạnh lên.

3-17237287816292011557100.jpg

Nhai chậm sẽ giúp chúng ta có thời gian nghiền nhỏ thức ăn, hỗ trợ hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn.

Một nghiên cứu trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ còn cho thấy, những người nhai 40 lần mỗi miếng ăn sẽ có mức hormone gây đói thấp hơn. Điều này có nghĩa, nhai kỹ có thể làm giảm cảm giác thèm ăn và ngăn ngừa ăn quá nhiều - một trong những yếu tố giúp kiểm soát cân nặng.

Ngoài ra, việc nhai chậm và nhai kỹ còn giúp cơ thể sở hữu thêm các lợi ích sau đây:

- Giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường

Khi bạn ăn quá nhanh, cơ thể không kịp thời nhận biết lượng thức ăn đang tiêu thụ, dẫn đến việc dễ dàng ăn quá nhiều. Việc ăn quá mức này có thể làm tăng lượng đường trong máu, gây ra tình trạng tăng đường huyết đột ngột, một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2.

Khi nhai kỹ, thức ăn được nghiền nhỏ hơn, giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả. Cụ thể, nhai kỹ làm tăng diện tích tiếp xúc của thức ăn với enzyme, làm cho quá trình tiêu hóa ở giai đoạn sau diễn ra thuận lợi hơn, từ đó giảm gánh nặng cho dạ dày và ruột. Điều này không chỉ giúp cơ thể hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, mà còn làm giảm tốc độ giải phóng đường vào máu, ổn định đường huyết.

2-172372878156472356340.jpg

Nhai kỹ còn giúp ngừa bệnh tiểu đường rất hiệu quả.

Hơn nữa, nhai chậm còn tạo ra cảm giác no sớm hơn, bởi vì não cần khoảng 20 phút để nhận ra rằng dạ dày đã đầy. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc duy trì cân nặng ổn định, bởi thừa cân và béo phì là những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến tiểu đường loại 2.

- Giúp giảm cân nhẹ nhàng

Ít ai biết rằng, nhai chậm còn giúp giảm cân một cách tự nhiên nhờ khả năng kiểm soát lượng thực phẩm nạp vào. Khi nhai chậm, thức ăn được nghiền nhỏ hơn, khiến cơ thể dễ dàng tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng. Điều này không chỉ giúp tận dụng tối đa dinh dưỡng từ thức ăn, mà còn ngăn chặn việc tiêu thụ quá nhiều calo.

Bên cạnh đó, nhai chậm còn kích hoạt các tín hiệu no trong cơ thể. Nếu ăn quá nhanh, bạn sẽ tiêu thụ nhiều thức ăn hơn mức cần thiết trước khi cảm giác no kịp xuất hiện. Nhai chậm sẽ giúp bạn dừng lại đúng lúc, tránh việc ăn quá nhiều, từ đó giảm lượng calo nạp vào cơ thể.

- Giảm nguy cơ phát triển hại khuẩn

Các chuyên gia cho biết, nhai chậm sẽ làm giảm nguy cơ phát triển quá mức của vi khuẩn có hại. Theo đó, thức ăn không được phân hủy đúng cách có thể khiến hại khuẩn phát triển mạnh trong ruột già, dẫn đến chứng khó tiêu, chướng bụng, đầy hơi và táo bón.

Ngoài ra, khi không nhai kỹ thức ăn, phần còn lại của hệ thống tiêu hóa sẽ dễ bị rối loạn. Nếu cơ thể không sản xuất đủ enzym cần thiết để phân hủy hoàn toàn thức ăn, nó sẽ dẫn đến các loại bệnh như đầy bụng, tiêu chảy, ợ nóng, trào ngược axit, buồn nôn...

4-17237287816621654143145.jpg

Tuy ban đầu rất khó nhưng hãy cố tập thói quen nhai chậm để tốt cho sức khỏe.

Nhai thức ăn thế nào mới tốt cho sức khoẻ?

- Ăn miếng nhỏ: Hãy ăn những miếng nhỏ vì chúng dễ nhai kỹ hơn, giúp chúng ta thưởng thức thức ăn và hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.

- Số lần nhai: Hãy cố gắng nhai mỗi miếng ít nhất từ 20-30 lần trước khi nuốt. Ban đầu sẽ cảm thấy khó chịu, nhưng khi tập luyện, nó sẽ trở thành thói quen.

- Đặt dụng cụ ăn xuống sau mỗi lần ăn: Sau khi ăn một miếng, hãy đặt nĩa hoặc thìa xuống. Hành động đơn giản này có thể giúp chúng ta ăn chậm lại và tập trung vào việc nhai.

- Chú ý đến vị giác, kết cấu và mùi hương của thức ăn: Hãy chú ý đến hương vị, kết cấu và mùi thơm của thức ăn… để làm tăng trải nghiệm ăn uống, giúp nhai kỹ hơn.

- Ăn uống không bị phân tâm: Cố gắng ăn mà không bị phân tâm bởi TV hay điện thoại thông minh. Tập trung vào bữa ăn có thể giúp chúng ta ăn chậm hơn.

Theo Indiatimes, Healthline

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022