21 năm trước, T.T.Đ (Hà Nội) được sinh ra bằng phương pháp sinh mổ. Tuy nhiên, không may mắn, Đ bị ngạt nước ối, dẫn đến tổn thương não và mắc chứng động kinh ngay từ khi chào đời.
Từ đó đến nay, Đ thường xuyên bị lên cơn động kinh, càng ngày càng nhiều và nghiêm trọng hơn. Có những ngày bệnh nhân phải chịu đựng từ 50 đến 100 cơn, hoặc kéo dài tới 2 giờ đồng hồ.
Chấn thương liên tục do không làm chủ được bản thân đã khiến phần đầu bệnh nhân biến dạng, thường xuyên phải dùng thuốc.
Đ đã từng được thăm khám ở nhiều nơi, kể cả với các chuyên gia ở nước ngoài. Kết luận từ bác sĩ cho biết, đây là một căn bệnh khó điều trị dứt điểm, đòi hỏi bệnh nhân phải học cách chung sống với bệnh suốt đời.
PGS.TS Đồng Văn Hệ thăm khám cho người bệnh sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC.
Mới đây, bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Tại đây, PGS.TS Đồng Văn Hệ – Chủ tịch Hội phẫu thuật Thần kinh ASEAN, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức – đã tiếp nhận và thăm khám.
Sau khi hội chẩn kỹ lưỡng, PGS. Hệ quyết định thực hiện phẫu thuật cắt toàn bộ thể chai, phần liên kết giữa hai bán cầu não, để giảm cơn động kinh.
"Đây là một ca bệnh phức tạp. Ở những trường hợp thông thường, chúng tôi phẫu thuật khi xác định được vị trí ổ động kinh như teo hải mã hay loạn sản. Tuy nhiên, bệnh nhân này có ổ động kinh lan tỏa cả hai bán cầu, khiến việc dùng thuốc không hiệu quả. Phẫu thuật cắt thể chai nhằm ngăn chặn tín hiệu động kinh lan giữa hai bán cầu, giúp giảm cơn", PGS Đồng Văn Hệ cho biết.
May mắn, sau ca phẫu thuật, kết quả đạt được đã vượt xa kỳ vọng. Từ việc dự kiến giảm 50%, bệnh nhân đã giảm đến 90% số cơn động kinh. Hiện tại, bệnh nhân chỉ còn 3-4 cơn mỗi ngày và vẫn được điều trị thuốc hỗ trợ.
Theo các bác sĩ, dù không phải là giải pháp chữa khỏi hoàn toàn nhưng đây vẫn là một bước tiến lớn trong việc giảm nhẹ triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
"Thành công của mỗi ca bệnh là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng trong nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp y học mới. Quan trọng hơn, đó là đem lại niềm hy vọng cho bệnh nhân và gia đình", PGS.TS Đồng Văn Hệ nhấn mạnh.
GĐXH - Sau khi được tiêm chất làm đầy vào ngực, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, choáng ngất, sau đó có dấu hiệu sốt rét run; ngực sưng và nổi nhiều u cục.
GĐXH – Theo các bác sĩ, dù tỷ lệ mắc ung thư tinh hoàn không cao nhưng bệnh có thể tiến triển nhanh chóng và nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời.