Xuất khẩu rau quả Việt Nam đang đối diện với giai đoạn khó khăn khi kim ngạch giảm mạnh trong hai tháng đầu năm. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tổng giá trị xuất khẩu ước tính đạt 677 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, sầu riêng, loại trái cây chủ lực, chiếm gần một nửa giá trị xuất khẩu toàn ngành, đã sụt giảm nghiêm trọng. Đến giữa tháng 2, xuất khẩu sầu riêng chỉ đạt 3.500 tấn, giảm 80% so với cùng kỳ năm 2024.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là việc các thị trường nhập khẩu siết chặt quy định kiểm dịch và an toàn thực phẩm. Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn nhất, đã áp dụng chính sách kiểm tra 100% lô hàng sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam. Đồng thời, từ 10/1, nước này yêu cầu các lô hàng phải có giấy kiểm định chứng minh không chứa chất vàng O, một hợp chất có nguy cơ gây ung thư. Điều này khiến quy trình thông quan kéo dài, làm gia tăng nguy cơ hư hỏng hàng hóa, buộc nhiều doanh nghiệp phải quay đầu đưa hàng về tiêu thụ nội địa.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết việc kiểm tra 100% lô hàng và yêu cầu giấy kiểm định chất vàng O khiến xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp tạm ngưng để chuẩn bị thủ tục đầy đủ.

Thu hoạch sầu riêng nghịch vụ tại thị xã Cai Lậy, Tiền Giang. Ảnh: Hoàng Nam
Không chỉ Trung Quốc, các thị trường khác cũng gia tăng rào cản kỹ thuật với sầu riêng Việt Nam. Đài Loan đã gia hạn lệnh kiểm tra từng lô hàng sầu riêng nhập khẩu đến ngày 30/4, sau khi phát hiện một số lô hàng không đạt tiêu chuẩn vào tháng 8 năm ngoái. Tại châu Âu, Liên minh EU cũng nâng tỷ lệ kiểm tra từ 10% lên 20% do phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.
Ngoài các yếu tố kỹ thuật, hoạt động xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Việc thị trường tạm ngưng giao dịch trong thời gian này đã khiến nhiều lô hàng ùn ứ, tác động đến chuỗi cung ứng.
Trước những khó khăn trên, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam buộc phải thích nghi. Nhiều công ty đã chủ động giảm lượng hàng xuất khẩu trong tháng 1 để hoàn thiện các thủ tục đáp ứng yêu cầu mới. Ông Nguyễn Đình Tùng, CEO Vina T&T, cho biết công ty đang hoàn tất các điều kiện cần thiết và dự kiến xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc trở lại vào cuối tháng 2.
Để phục hồi xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra các biện pháp siết chặt kiểm soát chất lượng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc chủ động giám sát, cảnh báo và xử lý nghiêm các vi phạm cũng được đẩy mạnh nhằm nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đang tích cực đàm phán nhằm tháo gỡ rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường tiêu thụ, đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành xuất khẩu rau quả.
Thi Hà