"Quyết định hủy thai khi phát hiện dị tật hở môi rất phổ biến, đa số vì các gia đình thiếu thông tin, thiếu hiểu biết hoặc sợ tai tiếng miệng đời", TS.BS Nguyễn Văn Đẩu, cố vấn chuyên môn, nguyên Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1, nói tại chương trình dành cho trẻ dị tật khe hở môi - vòm, ngày 26/4.

Bác sĩ kể một phụ nữ chuẩn bị bước lên bàn phá thai vì áp lực gia đình không chấp nhận đứa cháu mắc dị tật hở môi, được cô điều dưỡng sản khoa khuyên tham vấn bác sĩ Đẩu trước khi quyết định. Ông cho thai phụ xem những phim siêu âm thai nhi cùng hình ảnh bé trước và sau phẫu thuật lành lặn, phân tích chi tiết về khả năng điều trị, sửa chữa loại dị tật bẩm sinh này.

"Cô ấy nhờ tôi thuyết phục gia đình, bên cạnh kiến thức y khoa tôi thậm chí phải vận dụng vấn đề tâm linh để thuyết phục họ giữ lại em bé", bác sĩ Đẩu nói.

Ngày bé lên bàn mổ lần đầu sau sinh, gia đình nội ngoại hai bên đến bệnh viện chờ đợi rất đông. Nhờ can thiệp sớm, khuôn mặt bé trở về bình thường. Hiện cậu bé 9 tuổi, thành tích học luôn đứng đầu lớp, là lớp trưởng, nói tiếng Anh lưu loát, tham gia các hoạt động văn nghệ như diễn kịch, múa hát...

Theo bác sĩ Đẩu, dị tật khe hở môi vòm nếu được phát hiện, can thiệp đúng thời điểm, trẻ có thể được trả lại hình hài trọn vẹn, sửa lại nụ cười tiếng nói, lớn lên không khác gì trẻ bình thường. Bên cạnh chuyện trẻ bị tước mất cơ hội chào đời, điều khiến bác sĩ trăn trở là không ít trường hợp trẻ sau khi chào đời được tiếp cận điều trị quá trễ, bỏ lỡ thời gian vàng, phải trải qua những năm tháng ấu thơ sống trong mặc cảm, thiếu tự tin vì gương mặt thiếu cân đối, giọng nói ngọng nghịu, nghe kém cùng hàng loạt vấn đề phát sinh khác.

Như Diệu Lan, hiện 23 tuổi, hơn 10 tuổi mới được phẫu thuật. Qua 7 cuộc mổ, cô có gương mặt xinh đẹp nhưng giọng nói vẫn chưa thể hoàn toàn bình thường, có nhiều từ phát âm chưa tròn vành rõ chữ.

"Từ 18 tuổi tôi mới ý thức rõ giọng nói ảnh hưởng thế nào nên dù trễ vẫn tìm cách can thiệp ngữ âm trị liệu", Lan nói. Hiện, cô ra trường đi làm, tập lại giọng nói và đã dần tự tin hơn khi phát biểu trước đám đông.

IMG-6587-1417072353-jpg-174567-2185-6473-1745675619.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FEeHersL1McWVYyPtmvEbA

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 trong ca mổ dị tật khe hở môi vòm. Ảnh: Lê Phương

Trẻ bị khiếm khuyết hở môi vòm thường đối mặt với nhiều khó khăn ngay từ khi chào đời, không thể bú, khó nuốt, nguy cơ sặc sữa, dẫn đến những rối loạn tiêu hóa, dễ viêm đường hô hấp, còi cọc, nghe kém, giọng nói ngọng ngịu, cùng những ảnh hưởng lớn về thẩm mỹ, dễ tổn thương tâm lý... Để có được diện mạo và tiếng cười giọng nói bình thường, trẻ cần được can thiệp toàn diện, không chỉ là lắp khí cụ, chăm sóc dinh dưỡng, phẫu thuật sớm mà còn phối điều trị răng, chỉnh nha, ngữ âm trị liệu, phục hồi chức năng nghe - nói, thẩm mỹ...

BS.CK1 Hồ Vân Phụng, Phó trưởng khoa điều hành Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1, trẻ bị tật này thường được phẫu thuật lần đầu lúc 3 tháng tuổi và một số cuộc mổ sau đó, giúp trẻ phục hồi về các cấu trúc giải phẫu. Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện, hàng chục nghìn trẻ đã được phẫu thuật khe hở môi vòm miễn phí, trở về cuộc sống bình thường. Trong đó, không ít bé đã trưởng thành, tỏa sáng trong nhiều lĩnh vực.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022