Mới đây, nam thanh niên 37 tuổi (ở Hòa Bình) được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội) trong tình trạng suy hô hấp, suy gan, tan máu nặng, được chẩn đoán mắc sốt rét ác tính biến chứng nặng.
Nguy kịch sau 2 thập kỷ khỏi bệnh
Đáng nói, đây là bệnh mà người này từng mắc từ hơn 20 năm trước. Trước khi nhập viện, người đàn ông sốt cao 39-40 độ C kéo dài trong 5 ngày liên tiếp, đồng thời xuất hiện sốt rét run thành cơn, đau đầu, mệt mỏi, ăn uống kém, bụng trướng, gan to, vàng da, vàng mắt ngày càng rõ rệt, nước tiểu ít và sẫm màu. Tại cơ sở y tế ban đầu, các bác sĩ soi tìm ký sinh trùng, kết quả cho thấy bệnh nhân mắc sốt rét P.vivax (+) và phải chuyển tuyến điều trị. Thời điểm nhập viện bệnh nhân xuất hiện tình trạng suy hô hấp, suy gan và tan máu nặng, dù trước đó không có tiền sử bệnh lý về gan.
Bác sĩ Trương Tư Thế Bảo, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết do tình trạng tan máu của bệnh nhân rất nghiêm trọng đã dẫn đến khó thở, suy hô hấp, suy gan. Sau thời gian điều trị bằng thuốc đặc hiệu và truyền máu, bệnh nhân mới ổn định, có thể thở mà không cần hỗ trợ ôxy. Bệnh nhân cho hay do tính chất công việc nên thường xuyên di chuyển và làm việc tại nhiều địa phương. Trước đó, năm 2002 tại Tây Nguyên và năm 2003 tại tỉnh Hòa Bình, anh đã có những cơn sốt không rõ nguyên nhân, từng được xác định mắc sốt rét do P.vivax.
Bệnh nhân tái phát bệnh sốt rét ác tính sau 2 thập kỷ. Ảnh: ĐẶNG THANH
Theo bác sĩ Bảo, trường hợp bệnh nhân này là điển hình về nguy cơ tái phát của bệnh sốt rét P.vivax sau nhiều năm. "Ký sinh trùng sốt rét P.vivax rất nguy hiểm, chúng có khả năng "ngủ" trong gan và tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi. Như trường hợp này, sốt rét P.vivax tồn tại trong cơ thể bệnh nhân suốt 2 thập kỷ. Vì vậy, những người từng mắc sốt rét, đặc biệt là khi sống hoặc làm việc trong các khu vực có nguy cơ cao, cần chú ý sức khỏe và không nên chủ quan vì bệnh có thể tái phát…" - bác sĩ Bảo cảnh báo.
Thời gian gần đây, các chuyên gia cũng liên tục cảnh báo về việc gia tăng các ca bệnh do ký sinh trùng. Các bác sĩ gọi bệnh ký sinh trùng là căn bệnh bị "lãng quên", bởi không chỉ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân mà ngay cả bác sĩ cũng chủ quan, không nghĩ đến căn nguyên này.
Bác sĩ Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương), cho biết có những bệnh nhân khi đến viện khám đã phát hiện tổn thương khối u ở gan, não, phổi. Thậm chí, có bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm là u gan nhưng khi đánh giá lại thì đây là những tổ sán lá gan âm thầm phá hủy gan của người bệnh. Sán lá gan lớn thường ký sinh ở nhu mô gan, tạo thành ổ áp xe giống như khối u trong gan, có thể bị chẩn đoán nhầm thành u gan. Nguyên nhân mắc bệnh này thường là do thói quen ăn uống không bảo đảm vệ sinh. "Bệnh ký sinh trùng là căn bệnh âm thầm. Có nhiều bệnh mà bản thân bệnh nhân, gia đình, ngay cả bác sĩ cũng không nghĩ là do ký sinh trùng. Do đó, với căn bệnh này, nếu người dân thấy có biểu hiện bất thường trên cơ thể như nổi u cục nhỏ dưới da, đi ngoài ra đốt sán trắng hay đau đầu, ngứa ngáy khắp người thì nên đi khám ngay" - bác sĩ Thọ khuyến cáo.
Ở thành phố cũng có trẻ em ho gà
Theo các chuyên gia y tế, sự gián đoạn của tiêm chủng vắc-xin do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhiều bệnh truyền nhiễm như ho gà, bạch hầu, uốn ván, lao, sởi… (đã được thanh toán, tỉ lệ mắc đã giảm hoặc không còn) đến nay xuất hiện trở lại và nguy cơ cao bùng phát thành dịch. PGS-TS Trần Ðắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết trước đây bệnh bạch hầu rất phổ biến, tại bệnh viện lúc nào cũng có bệnh nhân. Từ khi thực hiện tiêm chủng từ năm 1981, mấy chục năm nay, nước ta không còn bệnh nhân bạch hầu. Song hiện nay, cùng với bạch hầu, các bệnh sởi, ho gà đã xuất hiện trở lại ở một số địa phương.
Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho thấy những tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 127 ca mắc ho gà, tăng gần 8 lần so với cùng kỳ năm 2023. Cơ quan chức năng cũng nhận định tỉ lệ mắc ho gà còn có xu hướng tăng nhanh. Ðây là một bệnh lây theo đường hô hấp và lây rất mạnh, rất nhanh. Những trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, tiếp xúc với nguồn bệnh đều có thể mắc ho gà. Trước đây, bệnh chỉ xảy ra ở những vùng sâu, vùng xa nhưng vừa qua, ở các tỉnh đồng bằng, thành phố, trong đó có Hà Nội, có trẻ em mắc ho gà.
Còn với bệnh sởi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam lo ngại gia tăng các ca và chùm ca bệnh sởi ở một số tỉnh, thành và nguy cơ bùng phát trên diện rộng nếu như các giải pháp về y tế công cộng khẩn cấp không được thực hiện. Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, từ cuối năm 2023, WHO đã phát thông báo nhiều nước trên thế giới có số ca mắc sởi gia tăng và cảnh báo Việt Nam dịch sởi có thể bùng phát. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 2.000 ca mắc, trong đó TP HCM ghi nhận hơn 500 ca. Cảnh báo mùa tựu trường đang đến gần, nguy cơ mắc sởi, lây truyền bệnh là rất lớn; tỉ lệ nặng, tử vong nằm ở nhóm trẻ chưa được tiêm chủng.
Nhắc đến bệnh phong - căn bệnh gây ám ảnh về tàn tật, trong 10 năm trở lại đây, nước ta mỗi năm vẫn phát hiện 70-100 ca mắc mới, trong đó không ít trường hợp ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM... Tại TP HCM, theo bác sĩ Bùi Thế Minh Lợi, Phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Da liễu TP HCM, năm 2023, tổng số bệnh nhân đang quản lý là 86, trong đó số bệnh nhân mới là 4, chăm sóc tàn tật 75 người… Hiện cả nước đang quản lý khoảng 8.000 bệnh nhân phong.
Theo các chuyên gia da liễu, nguyên nhân là do thời gian ủ bệnh kéo dài (5-10 năm), bệnh bị quên lãng nên nhiều bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh phong nhầm sang viêm da dị ứng tiếp xúc, dị ứng, viêm da cơ địa… do cũng có những biểu hiện nổi sẩn, hồng ban trên da. "Đáng nói là nhiều trường hợp phát hiện khá muộn nên để lại di chứng, tàn tật ở mặt, tay chân. Đây là bệnh truyền nhiễm mạn tính do vi khuẩn Mycobacterium leprae. Nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng như mất cảm giác các dây thần kinh, tàn tật vĩnh viễn, biến dạng cơ thể..." - một chuyên gia cảnh báo.
Cả tỉ người bị ảnh hưởng
Theo WHO, hơn 1,7 tỉ người trên thế giới đang bị ảnh hưởng bởi những căn bệnh nhiệt đới bị lãng quên như sốt xuất huyết, bệnh phong, bệnh dại... Đây là nhóm bệnh lý đa dạng do nhiều loại mầm bệnh (gồm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm và chất độc) gây ra tổn thương đau đớn, mù lòa, thậm chí tàn tật suốt đời. Bệnh nhiễm giun sán là vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng, chiếm khoảng 1/4 dân số thế giới, tập trung chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Hiện đã xác định được trên 100 loại giun tròn và 140 loại sán có khả năng gây bệnh cho người.