Nhiều người có thói quen thức dậy buổi sáng uống ngay một tách cà phê, hoặc trước khi dùng bữa. Tuy nhiên, đây là thói quen đầy rủi ro nếu họ đang sử dụng một số loại thuốc để điều trị bệnh mạn tính hoặc cấp tính. Các bác sĩ khuyến cáo uống thuốc chung với cà phê có thể dẫn đến tác dụng phụ hoặc biến chứng nghiêm trọng, từ cao huyết áp đến xuất huyết không thể kiểm soát.

Thuốc cảm lạnh và dị ứng OTC

Một số loại thuốc cảm lạnh có chứa chất kích thích pseudoephedrine, tác dụng thu hẹp các mạch máu trong đường mũi để giảm sưng và ngạt mũi. Tuy nhiên, chất này cũng kích thích tế bào trong não chịu trách nhiệm về phản ứng "chiến đấu hay chạy trốn của cơ thể". Theo tiến sĩ Ngo-Hamilton, chuyên gia tư vấn lâm sàng tại BuzzRx, dược sĩ Trung tâm Y tế Đại học Minnesota, uống cà phê có thể làm trầm trọng thêm phản ứng này, khiến người dùng thuốc cảm thấy bồn chồn và lo lắng.

Các loại thuốc không kê đơn chứa pseudoephedrine, được bán nhiều, có thể mua dễ dàng tại các cửa hàng thuốc. Tiến sĩ Ngo-Hamilton khuyến nghị nên uống các loại thuốc này hai giờ trước hoặc 4 giờ sau khi uống một tách cà phê.

Thuốc điều trị tiểu đường

Cứ 10 người Mỹ thì có một người sử dụng insulin để kiểm soát bệnh tiểu đường. Insulin không tương tác trực tiếp với caffeine nhưng nó vẫn xung đột với thói quen uống cà phê buổi sáng. Theo tiến sĩ Ngo-Hamilton, uống cà phê làm tăng lượng đường trong máu, đặc biệt nếu có thêm kem và đường, từ đó làm giảm hiệu quả của thuốc.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ, các loại đồ uống chứa caffeine đều có thể làm tăng lượng insulin và lượng đường trong máu. Ngoài insulin, tiến sĩ Ngo-Hamilton khuyến cáo sử dụng thuốc điều trị đường huyết metformin chung với cà phê cũng có thể gây nguy hại sức khỏe.

Tiến sĩ Ngo-Hamilton khuyến nghị người bệnh theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên để xác định có nên uống cà phê khi dùng thuốc hay không.

pexels-chevanon-302899-1722057-8067-4225-1722057493.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cLsNAFFbSfQYum33Y7RUDg

Một số loại thuốc có tương tác xấu với cà phê. Ảnh: Pexel

Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh được kê đơn để điều trị nhiều loại bệnh nhiễm trùng. Ước tính riêng năm 2022, có hơn 230 triệu đơn kháng sinh trên toàn nước Mỹ. Kháng sinh có thể ức chế quá trình chuyển hóa caffeine, dẫn đến tăng nồng độ caffeine trong máu.

Tiến sĩ Jennifer Bourgeois, dược sĩ và chuyên gia sức khỏe tại SingleCare, cho rằng ciprofloxacin, còn gọi là Cipro, tương tác mạnh với cà phê. Thuốc thường được dùng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, chẳng hạn nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng bàng quang, tiêu chảy do nhiễm trùng.

Giống với các loại thuốc kê đơn, kháng sinh dùng chung với cà phê có thể khiến tim đập nhanh, người bệnh cảm thấy bồn chồn.

Thuốc huyết áp

Hiệp hội các trường Cao đẳng Dược Mỹ ước tính các bác sĩ đã kê 117 triệu đơn thuốc chẹn beta điều trị bệnh cao huyết áp cho 26 triệu người Mỹ. Chúng có tác dụng hạ đường huyết và ngăn chặn tác dụng của hormone hoặc adrenaline. Điều này giúp cải thiện lưu lượng máu và giảm nhịp tim.

Tuy nhiên, sau khi uống cà phê hoặc các loại đồ uống chứa caffein, nhịp tim tăng trở lại, cuối cùng làm tăng huyết áp. Đây không phải tương tác thuốc trực tiếp, mà giống với một dạng kháng thuốc, theo tiến sĩ Ngo-Hamilton.

Bà đề nghị uống thuốc hai giờ trước hoặc 4 giờ sau khi uống một tách cà phê.

Thuốc tuyến giáp

Levothyroxine điều trị suy giáp, là một trong những loại thuốc được kê đơn nhiều nhất ở Mỹ, với tổng cộng 23 triệu đơn thuốc mỗi năm. Tuy nhiên, tiến sĩ Ngo-Hamilton cảnh báo sử dụng thuốc này với bất kỳ thực phẩm nào chứa caffeine đều có thể làm giảm tỷ lệ hấp thụ tới 50%.

Tiến sĩ William Franklin, giám đốc y khoa, người sáng lập Bệnh viện Victory Medical, khuyên người dùng levothyroxine nên uống thuốc khi bụng đói, sau đó một tiếng mới uống cà phê.

Thục Linh (Theo Daily Mail)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022