Sáng 9/7, trả lời VnExpress, ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết như trên, thêm rằng trước đây bệnh bạch hầu lưu hành khá phổ biến ở hầu hết địa phương cả nước. Năm 1981, vaccine phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm miễn phí cho trẻ. Từ đó, bệnh bạch hầu được khống chế. Năm 1983 cả nước có gần 3.500 ca, thì giai đoạn 2004-2019 mỗi năm chỉ ghi nhận 10-50 ca.

"Vài ca bạch hầu lẻ tẻ mỗi năm do không tiêm vaccine, thường xảy ra ở khu vực vùng sâu, xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp", ông Đức cho hay.

Tuy nhiên, 5 năm qua số ca bạch hầu tăng trở lại. Năm 2020 ghi nhận 226 ca, chủ yếu tại các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi và Quảng Trị. Số ca giảm trong năm 2021 (có 6 trường hợp), năm 2022 (2 ca) - năm trải qua đại dịch Covid-19.

Riêng năm 2023, cả nước ghi nhận 57 ca bệnh bạch hầu, xác định qua xét nghiệm PCR và nuôi cấy vi khuẩn. Bệnh nhân ngụ tại ba tỉnh Hà Giang, Điện Biên và Thái Nguyên. Trong số này, đến 55 ca ghi nhận vào 5 tháng cuối năm, trong đó 7 trường hợp tử vong - cho thấy mức độ lây nhiễm và tử vong cao.

Từ đầu năm đến nay ghi nhận 5 ca, trong đó một trường hợp tử vong. Cụ thể, tỉnh Hà Giang phát hiện 3 ca trong các tháng 1, 2 và 4 tại các ổ dịch cũ thuộc các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh. Mới nhất là nữ sinh 18 tuổi ở Nghệ An - tử vong hôm 5/7. Một người bạn từng ở chung phòng nữ sinh dương tính và về Bắc Giang sinh hoạt, hiện điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Hà Nội. Hơn 100 người tiếp xúc hai nữ sinh đang được cách ly theo dõi.

"Nguy cơ lây nhiễm vẫn có trong cộng đồng, quan trọng là người tiếp xúc cần hiểu rõ, cách ly và dùng kháng sinh uống dự phòng", ông Đức khuyến cáo. Ông cũng cho biết vaccine và thuốc uống dự phòng kháng sinh hàng năm ở Việt Nam đều có đủ, vì vậy người dân cần tuân thủ phòng và trị bệnh.

1-jpeg-4779-1720496994.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ySKTKBhBaY8yYiFGD0YVLQ

Bác sĩ khám sàng lọc bạch hầu cho trẻ em, người lớn tại ổ dịch Đăk Lăk, năm 2022. Ảnh: Ngô Duyên.

Lý giải tại sao đã có vaccine phòng bạch hầu nhưng bệnh vẫn trở lại ở một số khu vực, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, cho rằng "do độ phủ vaccine chưa cao". Với bạch hầu, độ bao phủ ngừa bệnh là tỷ lệ tiêm chủng trong dân số khoảng 93-95%. Thực tế, thời gian qua các ổ dịch tập trung ở địa phương vùng sâu xa, kinh tế khó khăn, ý thức về tiêm chủng vaccine còn thấp. Một số nơi giao thông đi lại khó khăn cũng ảnh hưởng khả năng tiếp cận vaccine của người dân.

"Do đặc tính miễn dịch nên bạch hầu thường lây lan chậm, không thể lây nhanh như các bệnh hô hấp thông thường", bác sĩ Khanh nói. Do đó, khi một người mắc bệnh bạch hầu, ngành y tế thường điều tra những người tiếp xúc để cấp thuốc phòng ngừa, nhờ thế giảm được nguy cơ lây lan.

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể người lớn cũng mắc nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hay người lành mang trùng khi ho, hắt hơi. Khu vực dân cư đông đúc hoặc điều kiện vệ sinh không đảm bảo sẽ dễ lây nhiễm.

Biểu hiện bệnh từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

Bệnh đã có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT...) đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm, nên tiêm bù sớm nhất có thể.

Liệu trình tiêm vaccine bạch hầu gồm ba liều lúc trẻ 2-3-4 tháng tuổi, nhắc lại lần một lúc 18 tháng tuổi. Theo bác sĩ Khanh, khả năng bảo vệ của vaccine bạch hầu sẽ suy giảm theo thời gian. Vì vậy, nên tiêm nhắc 5-10 năm một lần, vào các mốc lúc trẻ 4-5 tuổi, 10 tuổi, trên 15 tuổi hoặc tiêm vét khi có dịch theo khuyến cáo của ngành y tế.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Người có dấu hiệu bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải cách ly và đến cơ sở y tế khám, điều trị kịp thời. Người dân vùng dịch cần uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định của cơ quan y tế.

Lê Nga - Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022