Theo báo cáo của Sở Y tế Kiên Giang, dự án đầu tư hệ thống thiết bị Cyclotron (dùng sản xuất đồng vị phóng xạ, phục vụ xạ hình và điều trị ung thư) được tỉnh phê duyệt năm 2011. Tổng đầu tư hơn 203 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA gần 176 tỷ đồng, còn lại của địa phương. Toàn bộ hệ thống máy được nhập từ nước ngoài.

z5648478678518-829d060e3fe09c7-1732-2679-1721395017.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QSMq3M_XMaeNiaCmjIpAMg

Máy phóng xạ trị ung thư ở Trung tâm Y học hạt nhân và xạ trị Kiên Giang. Ảnh: Dương Đông

Tháng 5/2015, Công ty Ion Beam Applications (IBA) trụ sở tại Bỉ, chuyển linh kiện về Kiên Giang, để lắp đặt. Tuy nhiên, hai năm sau đó, kho chứa linh kiện bị mất trộm, thiệt hại 4,2 tấn thanh chì dùng che chắn tia phóng xạ, khiến quá trình triển khai đình trệ.

Tháng 6 cùng năm, IBA phát hiện hệ thống giám sát an toàn bức xạ bị lỗi. Đơn vị này cho rằng việc hư hỏng do ảnh hưởng môi trường (nhiệt độ, độ ẩm) trong quá trình vận chuyển, nhập khẩu, lưu kho, từ đó không đồng ý bảo hành mà yêu cầu gửi về nhà sản xuất ở Bỉ để sửa chữa.

Theo Sở Y tế, rắc rối về chứng từ khiến thiết bị không thể chuyển ra nước ngoài, việc lắp đặt vì thế kéo dài. Năm 2020, nhà thầu IBA đã cử chuyên gia đến kiểm tra, đề xuất các phương án giải quyết, song bùng phát Covid-19 nên mọi động thái bảo hành, sửa chữa bị ngừng.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Kiên Giang hôm 18/7, việc chậm hoàn thành lắp đặt thiết bị Cyclotron được các đại biểu nêu ra. Ông Hồ Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế, có văn bản cho biết từ năm 2019 sở đã mua bổ sung những linh kiện mất trộm. Đến nay thiết bị Cyclotron đã hoàn thành phần máy chính, hiện cần thay mới một số thiết bị và giấy phép chạy thử.

"Do chưa có quy định về cấp phép chạy thử, Sở Y tế đang báo cáo ủy ban tỉnh chờ chỉ đạo", văn bản nêu. Sở này dự kiến, phấn đấu nghiệm thu thiết bị trong quý 3/2025.

Dương Đông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022