Ngày 8/3, đại diện Sở Y tế TP HCM cho biết Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã tháo gỡ được nhiều điểm nghẽn trong mua sắm trang thiết bị của cơ sở y tế công lập tại thành phố. Nghị định 07 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2021, tháo gỡ khó khăn cho nhập khẩu thiết bị y tế. Nghị quyết 30, có hiệu lực thi hành ngay, tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thiết bị y tế, hướng dẫn sử dụng và chi trả bảo hiểm y tế cho máy mượn, đặt.
Hai ngày sau khi văn bản được ban hành, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn lãnh đạo các bệnh viện, triển khai ngay trong bối cảnh đang thiếu thiết bị, vật tư.
Đánh giá tình hình, đại diện Sở Y tế cho rằng có 3 kiến nghị trước đó của thành phố đã được những quy định mới giải quyết. Đó là, kiến nghị tiếp tục cho phép thanh toán chi phí các dịch vụ kỹ thuật theo hình thức máy đặt cho đến khi cơ quan có thẩm quyền quy định, hướng dẫn, nhằm đảm bảo liên tục hoạt động khám, chữa bệnh. Ngoài ra, chấp thuận máy đặt theo kết quả trúng thầu hóa chất, vật tư y tế được thực hiện theo quy định của Luật đấu thầu.
Sở đề nghị Bộ Y tế sớm cấp giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận đăng ký lưu hành của trang thiết bị. Hiện giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận đăng ký lưu hành của trang thiết bị, được gia hạn đến ngày 31/12/2024.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm vướng chưa được hướng dẫn để gỡ, nên các bệnh viện lúng túng khi thực hiện. Ví dụ, Sở Y tế từng kiến nghị bổ sung quy định về căn cứ xác định giá gói thầu với các gói thầu mua sắm trang thiết bị, dịch vụ phi tư vấn với trang thiết bị đặc thù, riêng biệt. Theo bà Đinh Thị Liễu, chuyên gia của Sở Y tế, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 chỉ hướng dẫn về trang thiết bị, còn các gói phi tư vấn như sửa chữa, bảo trì, bảo hành... thì chưa được nhắc đến. Do đó, các đơn vị vẫn còn lúng túng trong việc sửa chữa các gói máy móc, trang thiết bị lớn.
Đây cũng là điều được nhiều lãnh đạo bệnh viện tại TP HCM chia sẻ, trong buổi tập huấn nội dung Nghị quyết 30, hôm 6/3. TS. BS Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho rằng quy định mới chưa gỡ được khó khăn trong việc sửa chữa thiết bị y tế bị hư hỏng. Bởi muốn sửa chữa phải có trong kế hoạch trung hạn năm năm, phải làm báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình cấp có thẩm quyền thông qua HĐND thành phố theo trình tự Luật đầu tư công và Nghị định 40.
"Vấn đề trình tự sửa chữa các thiết bị này vẫn phải xem xét lại còn vướng mắc hay không", ông Báu nói, thêm rằng quy định mới tháo được khó khăn khi không đủ ba báo giá nhưng không có cơ quan thẩm quyền nào chủ trì, giám sát, ban hành quy định về giá.
"Liệu công ty cung cấp có báo giá sát với giá nhập hay không, có báo giá họ nhập thẳng về từ nước ngoài hay không, lấy báo giá như thế nào để sau này bệnh viện không bị quy kết về giá, giá nhập từ nước ngoài về công ty có quyền lời bao nhiêu phần trăm...", ông Báu đặt hàng loạt câu hỏi và cho rằng cần có quy định cụ thể trong vấn đề này.
Đồng quan điểm, bác sĩ Châu Văn Đính, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM, cho rằng việc sửa chữa máy móc vẫn phải theo Thông tư 68, Nghị định 14, 15 và theo Luật đấu thầu, cần sự phối hợp nhiều bên nên sẽ khó khăn về lâu dài.
Tương tự bác sĩ Báu, ông Đính nói cần cơ quan nào đó chủ trì để xác định mức giá nhằm bảo vệ những người làm công tác mua sắm, đấu thầu. Điều khiến các lãnh đạo bệnh viện rất e ngại là những vấn đề về giá và công tác thanh, kiểm tra của Thanh tra Chính phủ về sau.
"Sau này thanh tra, kiểm toán đều xoáy vào giá nhập khẩu và đặt câu hỏi tại sao lại đắt mấy lần, có buôn bán lòng vòng không, nhưng bệnh viện không thể biết được những việc đó", ông Đính chia sẻ. Ý kiến này được TS. BS Vũ Trí Thanh, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, đồng tình: "Việc phải kiểm tra, thanh tra, quyết toán sau này sẽ rất khó khăn cho bệnh viện".
Bác sĩ Thanh lo nhà cung cấp chỉ niêm yết giá máy chứ chưa niêm yết các linh kiện nên khó biết chính xác giá nhập khẩu và giá các công ty báo thực tế như thế nào.
Về lo lắng chung của hầu hết lãnh đạo bệnh viện, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng đề nghị nếu xét thấy cần thiết thì Sở có văn bản hỏi Bộ Y tế. Còn bà Liễu đề nghị các bệnh viện phải linh động trong việc mua sắm hóa chất máy đặt, tránh trường hợp phải gửi các mẫu xét nghiệm ra ngoài hoặc không thực hiện được.
Nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra thuốc tại kho dược, ngày 13/7/2022. Ảnh: Quỳnh Trần
Những ý kiến trên của lãnh đạo các bệnh viện cũng trùng với quan điểm của đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan. Trả lời VnExpress, bà Lan nhìn nhận những văn bản mới ban hành là động thái tích cực trong việc tháo nghẽn, sửa sai các quy định bất cập. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, cần nhìn nhận tận gốc các điểm bất hợp lý của chính sách để tháo gỡ triệt để.
Theo bà Lan, Chính phủ cần xem lại về quy chế gia hạn tự động số lưu hành và giấy phép nhập khẩu, nếu không, đến hết năm 2024 khó khăn sẽ tiếp diễn khi thời gian gia hạn số lưu hành chỉ đến 31/12/2024. Ngoài ra, Nghị định 07 không bắt buộc giá trang thiết bị y tế phải được kê khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế. Tuy nhiên, Luật Đấu thầu, Thông tư 58, Thông tư 68 của Bộ Tài chính vẫn yêu cầu ba báo giá trong khi đặc thù một số trang thiết bị chỉ do một nhà sản xuất. Chưa kể, khó có cách giám sát tính trung thực của các báo giá.
Bên cạnh đó, việc sửa chữa trang thiết bị y tế bị hỏng vẫn phải làm báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình các cấp theo Luật Đấu thầu, Thông tư 68 của Bộ Tài chính và Thông tư 15 của Bộ Y tế, như ý kiến của bác sĩ Đính ở trên.
"Cần sửa gấp các Luật Đấu thầu, Thông tư 68 của Bộ Tài chính, Thông tư 14 của Bộ Y tế, Nghị định 07 chỉ can thiệp việc quản lý trang thiết bị y tế chứ không chi phối việc tổ chức đấu thầu mua sắm", bà Lan nêu giải pháp trước mắt.
Bà Lan cho rằng để giải quyết vấn đề tận gốc, cần sự tham gia trách nhiệm hơn nữa của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư, vì đây là vấn đề kinh tế y tế chứ không chỉ là chuyên môn y tế. Trong sửa đổi Luật Đấu thầu sắp tới, nên có một quy định riêng cho Thuốc và Trang thiết bị y tế.
"Chính phủ có thể thành lập Trung tâm tiếp liệu quốc gia, bổ sung thành phần các chuyên gia đến từ kiểm toán, thanh tra, công an để bảo đảm mua sắm đúng luật", bà Lan nói, thêm rằng đã đến lúc xem lại có nhất thiết cái gì cũng phải phải đấu thầu hay không.
Bà đề nghị giao quyền tự chủ rõ ràng cho đơn vị với gói định suất trên số lượng và quy mô bệnh tật của bệnh nhân ở các bệnh viện công để tự kiểm soát thất thoát khi mua sắm trang thiết bị như ở các bệnh viện tư.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế diễn ra từ năm ngoái đến nay, chủ yếu do mua sắm đấu thầu tập trung chậm và hàng chục nghìn giấy đăng ký lưu hành thuốc hết hạn. Đợt thiếu thuốc năm 2020 chủ yếu liên quan đến Luật Dược và các hướng dẫn thực hiện. Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, Bộ Y tế đã gia hạn hơn 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc hết hạn.
Lần này, các bệnh viện thiếu vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm hoặc phục vụ chụp chiếu chẩn đoán hình ảnh, liên quan đến Nghị định 98 của Chính phủ và Thông tư 68 của Bộ Tài chính về mua sắm trang thiết bị y tế. Khủng hoảng vật tư khiến Bệnh viện Việt Đức phải hạn chế mổ, chỉ ưu tiên mổ cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai và Chợ Rẫy chuyển bệnh nhân đến nơi khác chụp chiếu, nhiều bệnh viện cả nước phải sử dụng vật tư y tế dè sẻn hoặc bệnh nhân phải tự mua vào cho bác sĩ dùng.
Tình trạng này được lãnh đạo các bệnh viện đánh giá là "cấp cứu của cấp cứu". Do đó, trong hai ngày 3-4/3 Chính phủ liên tiếp ban hành Nghị định 07 và Nghị quyết 30 (thi hành ngay), cơ bản giải quyết trước mắt khủng hoảng vật tư y tế. Bộ Y tế đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hướng dẫn thực hiện để sớm ban hành.
Mỹ Ý