Ngày 3/7, ThS.BS Phạm Nguyễn Hiền Nhân, Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết siêu âm bụng ghi nhận khối dạng nang dịch, đường kính khoảng 3 cm ở trong lòng ruột, nghi ngờ dị vật đường tiêu hóa gây tắc ruột. Người nhà cho biết bé thường chơi với các viên hạt nở - loại đồ chơi có khả năng phồng to khi ngâm nước.

Trước tình huống nguy cấp, ThS.BS Hồ Văn Anh Dũng, trưởng kíp trực báo động phẫu thuật khẩn. Êkíp phát hiện dị vật là một viên hạt nở đang gây bít tắc hoàn toàn đoạn hồi tràng. Các bác sĩ mở ruột lấy dị vật và tái lập lưu thông đường tiêu hóa. Sau mổ, trẻ phục hồi tốt và đã ăn uống trở lại.

ha-t-no-1751507688-9313-1751507825.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fWUaRs9DNMNG3fUwNMYJ6Q

Hạt nở được kíp phẫu thuật đưa ra ngoài. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo bác sĩ Nhân, viên hạt nở, còn gọi là hạt trương nở, hạt nước, hay hạt thủy tinh đồ chơi, thường được làm từ một loại polyme siêu hấp thụ nước, ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực nhờ khả năng hút và giữ nước cực tốt. Dù trông giống thạch và bắt mắt, hạt nở không phải là thực phẩm, nếu nuốt vào, có thể gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ.

Viên hạt nở có thể trương to gấp 100-300 lần khi hút nước, đặc biệt trong môi trường ruột non, nơi tiết khoảng 1,5-2 lít dịch tiêu hóa mỗi ngày. Khi di chuyển dọc ống tiêu hóa, hạt tiếp tục nở lớn. Đến đoạn cuối hồi tràng, nơi ruột có khẩu kính nhỏ nhất, hạt dễ mắc lại gây tắc ruột cơ học.

TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, khuyến cáo phụ huynh quan tâm nhiều hơn đến các loại đồ chơi trẻ thường sử dụng, đặc biệt là những món có nguy cơ cao bị cho vào miệng hoặc nuốt phải như hạt nở, nam châm đồ chơi... Việc chủ động phòng tránh sẽ giúp giảm nguy cơ xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022