Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa - Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 thời gian gần đây liên tiếp tiếp nhận ca bệnh với chẩn đoán thủy đậu, trong gồm cả người lớn.

Họ vào viện với các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau nhức cơ, xuất hiện nốt đỏ tròn nhỏ mọc nhanh khắp cơ thể hoặc mọc rải rác trong vòng 12 giờ đến 24 giờ. Sau đó, các nốt này tiến triển thành những mụn nước, bọng nước, mun mủ.

TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm cho biết, bệnh thủy đậu do virus Varicella zoster gây ra. Virus này chủ yếu lây truyền qua:

- Đường hô hấp: Bằng các giọt nước nhỏ trong không khí bắn ra từ đường hô hấp như mũi, miệng của người bệnh.

- Tiếp xúc trực tiếp với đồ vật như quần áo, chăn gối có vấy bẩn các chất tiết của người bệnh, qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch khi các bọng nước bị vỡ.

thuydau1-14204485-1677665166225-16776651663831090794436.jpg

Một người mắc thuỷ đậu. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, với phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu có thể lây cho thai nhi qua nhau thai, gây nên tình trạng thủy đậu bẩm sinh.

Thời gian lây bệnh của thủy đậu kéo dài từ trước nổi ban đỏ 1-2 ngày cho đến khi các bọng nước đóng vảy hoàn toàn.

Thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi để bệnh thủy đậu phát triển và lây lan. Bệnh gây ra nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não. Di chứng sau đó có thể kèm theo như điếc, động kinh, chậm phát triển tinh thần vận động… Trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ mắc thủy đậu khi mang thai có thể mắc phải các dị tật bẩm sinh.

Bệnh thủy đậu không chỉ gặp ở trẻ em mà bệnh còn xuất hiện ở người lớn với các biểu hiện đôi khi còn nặng nề hơn.

Thuỷ đậu, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Hiện điều trị bệnh thường tập trung vào việc làm giảm nhẹ các triệu chứng và giữ bệnh nhân không bị mất nước.

Vì vậy việc chăm sóc người bệnh thủy đậu đóng vai trò quan trọng, cần đảm bảo ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn các thức ăn mềm, uống đủ nước, có thể uống thêm nước hoa quả, vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý, thay quần áo và tắm rửa hằng ngày bằng nước ấm sạch. Người bệnh cũng cần tránh gãi làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm và tạo sẹo.

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, khi chăm sóc thủy đậu tại nhà cần lưu ý các triệu chứng: sốt cao liên tục không hạ được nhiệt độ, lơ mơ, mệt mỏi, co giật, hôn mê … cần đưa đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

Một số yếu tố tiên lượng nặng khi mắc thuỷ đậu:

Trẻ đang mắc bệnh khác

Suy giảm miễn dịch

Dùng corticoid kéo dài, hoặc các thuốc ức chế miễn dịch

Trẻ nhỏ dưới 6 tháng, đặc biệt là sơ sinh.

Khi đã mắc bệnh, bạn cần:

- Cách ly khoảng 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh.

- Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng như khăn mặt, bát, cốc….

- Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi cần tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.

- Vệ sinh nơi ở của người bệnh: Lau sàn nhà, bàn ghế, đồ chơi của trẻ hàng ngày bằng nước Javel, hoặc dung dịch Cloramin B, sau đó rửa lại bằng nước sạc/. Với những đồ vật nhỏ có thể đem phơi nắng. Lớp học có trẻ mắc bệnh cần lau rửa đồ chơi, cửa, sàn nhà hang ngày bằng các dung dịch sát trùng nhẹ.

Bệnh có thể lây lan nhanh chóng và trở thành dịch nên việc phòng ngừa thủy đậu rất quan trọng. Phòng ngừa bệnh thủy đậu hủ động và hiệu quả nhất đó là chủng ngừa thủy đậu bằng vaccine. Trẻ lớn hơn và người lớn nên tiêm đủ 2 liều cách nhau ít nhất 6 tuần là tốt nhất.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022