GS Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Huyết học truyền máu Trung ương) trên nghị trường Quốc hội ngày 20/11 đề nghị bỏ giấy chuyển viện, đẩy mạnh thông tuyến để người dân khám chữa ở đâu cũng được, phù hợp với hiện trạng bệnh, chất lượng y tế. Quy định hiện hành bệnh nhân điều trị ở tuyến huyện, tỉnh muốn lên trung ương phải xin giấy chuyển viện, gây phiền toái, mất thời gian.

Trong khi đó, ngày 24/11, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng việc quản lý bệnh nhân theo tuyến là cần thiết. Bởi hầu hết nước trên thế giới đều áp dụng quy định này. Trừ cấp cứu, các trường hợp muốn lên tuyến trên đều phải qua bác sỹ gia đình hoặc bác sỹ tổng quát và được tuyến dưới giới thiệu lên.

Hệ thống y tế Việt Nam được phân thành bốn tuyến xã, huyện, tỉnh và trung ương, thực hiện ba cấp khám chữa bệnh chuyên môn gồm ban đầu, cơ bản và chuyên sâu. Mỗi tuyến được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực phù hợp.

Tuyến đầu tiên, gần người dân nhất là 10.000 trạm y tế xã, chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa thông thường, tiêm chủng phòng bệnh truyền nhiễm và phổ biến cách chăm sóc sức khỏe. Tiếp theo là hơn 2.500 cơ sở tuyến huyện và một phần tuyến tỉnh khám, điều trị hầu hết bệnh, trừ trường hợp nặng cần trình độ chuyên sâu.

Tầng trên cùng gồm hơn 200 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, bệnh viện trung ương chuyên trị bệnh nặng, thực hiện các kỹ thuật chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại mà tuyến dưới không làm được. Tuyến này được đầu tư cao nhất về nhân vật lực để ngoài khám chữa còn nghiên cứu, đào tạo chuyển giao kỹ thuật và chỉ đạo tuyến.

yte-9842-1700886325.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IRWpDH0vew-kbN3OAliXaQ

Người dân khám chữa tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, cuối năm 2022. Ảnh: Như Quỳnh

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), cho biết hệ thống y tế hình tháp được hầu hết nước áp dụng và chỉ có mô hình này mới quản lý và chăm sóc sức khỏe người dân toàn diện. "Nếu không quản lý bệnh nhân theo tuyến, chắc chắn sẽ phá vỡ hệ thống y tế", ông nói, nhấn mạnh việc quản lý khám chữa bệnh bằng giấy chuyển tuyến là công cụ cần thiết.

Nếu không có hàng rào kỹ thuật này thì bệnh nhân sẽ dồn lên tuyến trên. Hệ thống phía trên bị quá tải trong khi tuyến dưới không tận dụng hết công năng. Người dân ngoài không cần thiết với tình trạng bệnh, còn tốn tiền đi lại, ăn ở, chi phí khám chữa bệnh.

Trước năm 2016, người bệnh phải chuyển tuyến tuần tự. Nhưng sau thời gian trên, quy định được nới lỏng cho thông tuyến khám chữa cấp huyện và từ năm 2021 thông tuyến điều trị nội trú tỉnh. Người dân khám chữa tại tuyến huyện, điều trị nội trú ở tuyến tỉnh cả nước đều được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả như tại nơi đăng ký ban đầu. Thông tuyến thuận lợi cho người dân song lại gây sức ép lớn lên quỹ. Theo thống kê năm 2021- năm đầu tiên thông tuyến điều trị nội trú cấp tỉnh, tỷ lệ khám chữa BHYT tuyến trung ương giảm 25% nhưng tuyến tỉnh tăng 73%.

Ông Phúc cho rằng đơn giản thủ tục hành chính là cần thiết song phải gắn liền sự bền vững của hệ thống y tế. "Tránh tình trạng bệnh nhẹ cũng điều trị tại tuyến trung ương, gây quá tải, lãng phí Quỹ Bảo hiểm y tế lẫn tiền của người dân, lại không phát huy được hiệu quả của y tế tuyến cơ sở", ông nói.

Chung quan điểm, các lãnh đạo bệnh viện tuyến trung ương trước đó cũng cho rằng giữ "hàng rào kỹ thuật" giấy chuyển tuyến là cần thiết. Bởi nếu không, hệ thống y tế sẽ vỡ trận, tê liệt, gây thiệt hại cho người bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (bệnh viện tuyến cuối, hạng đặc biệt) băn khoăn "nếu bệnh nhân chuyển hết lên tuyến trung ương, tương lai của y tế cơ sở sẽ đi về đâu". Không có người bệnh, chuyên môn bác sĩ tuyến dưới bị thui chột; trong khi bác sĩ tuyến trên không thể một ngày khám cho cả nghìn người.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cũng khẳng định giấy chuyển viện nhằm đảm bảo hệ thống y tế bền vững, tránh quá tải một tuyến. Ngành y đang nghiên cứu dùng giấy chuyển tuyến, hồ sơ khám chữa điện tử để giảm thủ tục hành chính. Nhưng dù bằng giấy hay điện tử, giấy chuyển viện cũng phải ghi rõ lịch sử khám chữa, tình trạng bệnh.

Hồng Chiêu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022