Thông tin được bác sĩ Lê Thị Mai, phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết tại Hội nghị da liễu toàn quốc năm 2023. Tất cả tỉnh thành đều đã được công nhận loại trừ bệnh phong, chỉ xuất hiện rải rác. Số ca bệnh giảm mạnh qua các năm. Giai đoạn 2012-2016, cả nước phát hiện trên 1.000 cả, tỷ lệ tàn tật 18%. Còn 5 năm gần đây, cả nước chỉ phát hiện trên 400 ca mới. Hiện nay, cả nước quản lý khoảng 8.000 bệnh nhân phong.
Phong là bệnh nhiễm trùng do trực khuẩn Mycobacterium Leprae. Bệnh gây những thương tổn trên da và thần kinh, không điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng mất cảm giác các dây thần kinh, tàn tật vĩnh viễn, biến dạng cơ thể.
Tổn thương sẩn đỏ rải rác vùng lưng, ấn đau, ở bệnh nhân phong. Ảnh:Bệnh viện Da liễu Trung ương
Cơ chế lây nhiễm của bệnh phong chủ yếu qua tiếp xúc, nhưng người ta cho rằng bệnh lây qua các dịch tiết của người bệnh, tiếp xúc gần và kéo dài. Tuy nhiên, người bệnh bắt đầu điều trị thì khả năng truyền bệnh của họ giảm tới 99%. Tỷ lệ lây giữa vợ chồng chỉ 2-3%. Bệnh không di truyền và có thể chữa khỏi.
Trước đây bệnh phong được coi là bệnh nan y, khó cứu chữa. Sau này có thuốc đơn hóa trị liệu, đa hóa trị liệu... nhiều bệnh nhân đã được chữa trị kịp thời, chống lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là thành công trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
PGS.TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết mục tiêu trong kiểm soát bệnh phong trong giai đoạn 2021-2025 là đẩy mạnh và hoàn thành công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện trên 63 tỉnh, thành. Đến năm 2021 có 24% số huyện đã loại trừ bệnh phong. Song, mỗi năm cả nước vẫn ghi nhận khoảng 100 ca bệnh phong mới, không ít ca sống tại Hà Nội, TP HCM. Nhiều trường hợp bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý về da khác.
Nguyên nhân là thời gian ủ bệnh kéo dài 5-10 năm, thậm chí 20 năm, bệnh bị quên lãng nên nhiều bác sĩ có thể chẩn đoán nhầm sang viêm da dị ứng tiếp xúc, dị ứng, viêm da cơ địa... do cũng có những biểu hiện nổi sẩn, hồng ban trên da.
PGS.TS. Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, tại hội nghị ngày 24/11. Ảnh: Lê Nga
Bác sĩ Dương Phúc Hiếu, Bệnh viện Da liễu Trung ương, đánh giá bệnh phong vẫn là gánh nặng cho một số quốc gia. Số ca phát hiện mới giảm đi nhưng số lượng ca bệnh phong tiềm ẩn có xu hướng tăng. Thậm chí, sau hóa trị liệu, những ca phong nhiều vi khuẩn có khả năng tái phát và phản ứng.
Việc nghiên cứu, sản xuất vaccine đặc hiệu phòng bệnh phong rất có ý nghĩa, tuy nhiên hiện chưa có sản phẩm nào dù nhiều quốc gia đã, đang nghiên cứu. Một trong những nguyên nhân là việc nuôi cấy trực khuẩn phong để chế tạo vaccine rất khó. Một số vaccine ngừa bệnh phong được thử nghiệm lâm sàng nhưng hiệu quả còn hạn chế.
Bệnh viện Da liễu Trung ương là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, chỉ đạo Chương trình phòng chống phong Quốc gia. Hiện tất cả bệnh nhân phong được điều trị bằng đa hóa trị liệu đủ liều, đủ thời gian quy định, điều trị tại nhà và miễn phí hoàn toàn. Trường hợp biến chứng có thể điều trị nội trú tại các cơ sở y tế. Nếu phát hiện sớm thì chỉ sau 6 tháng đến một năm điều trị là có thể khỏi bệnh hoàn toàn, không để lại di chứng.
Lê Nga