Sắt có trong hai loại protein của hồng cầu: hemoglobin và myoglobin. Sắt giúp vận chuyển oxy từ phổi đến các bộ phận khác trong cơ thể, hỗ trợ sức khỏe mô liên kết và thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ.

Thiếu sắt có thể xảy ra nếu bạn mắc bệnh làm giảm khả năng hấp thụ sắt của cơ thể, chẳng hạn như bệnh viêm ruột hoặc celiac. Những người không ăn đủ thực phẩm giàu chất sắt hoặc có nhu cầu sắt cao hơn do mang thai hoặc cho con bú cũng có thể bị thiếu hụt.

Vì sắt có trong máu, mất máu cũng có thể gây thiếu hụt. Điều này có thể xảy ra do kinh nguyệt ra nhiều, chảy máu đường tiêu hóa, chấn thương và chảy máu đường tiết niệu.

Nhận thấy các dấu hiệu thiếu sắt sớm là rất quan trọng để ngăn ngừa tình trạng này tiến triển và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn như các vấn đề về tim, biến chứng thai kỳ và chậm phát triển ở trẻ em.

Dưới đây là 7 dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn có thể đang thiếu sắt:

Mệt mỏi

Mệt mỏi là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của thiếu sắt. Bạn có thể cảm thấy yếu và mệt mỏi mà không có lý do rõ ràng, ngay cả khi bạn ngủ đủ giấc. Điều này xảy ra do khi thiếu sắt, không có đủ hemoglobin để vận chuyển oxy đến tất cả các mô của bạn, gây ra mệt mỏi.

Thiếu sắt cũng liên quan đến các rối loạn giấc ngủ như mất ngủ và hội chứng bồn chồn chân, có thể làm gián đoạn giấc ngủ và làm trầm trọng thêm cảm giác mệt mỏi.

Tay và chân luôn lạnh

Thiếu sắt đôi khi có thể dẫn đến các ngón tay và ngón chân bị lạnh, ngay cả khi môi trường xung quanh không lạnh. Tương tự mệt mỏi, triệu chứng này liên quan đến vai trò của hemoglobin trong cơ thể. Nếu không có đủ hemoglobin, tuần hoàn máu của bạn giảm và oxy không đến được các chi của bạn. Bạn có thể cảm thấy lạnh hơn những người xung quanh, không chỉ ở tay và chân.

Thường xuyên bị đau đầu

Khi não của bạn không nhận đủ oxy, chứng đau đầu có thể xảy ra. Thiếu sắt cũng có thể làm cho các mạch máu sưng lên, tạo ra áp lực dẫn đến đau đầu.

Một nghiên cứu gần đây tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa thiếu máu do thiếu sắt và chứng đau đầu hàng ngày mạn tính. Đau nửa đầu cũng phổ biến ở những người tham gia nghiên cứu bị thiếu sắt.

pexels-edward-jenner-4031636-1-2946-5199-1735268841.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=f7UOdq7A2C3CRdMcD6rleg

Thiếu sắt cũng có thể làm cho các mạch máu sưng lên, tạo ra áp lực dẫn đến đau đầu. Ảnh: Pexels

Da nhợt nhạt bất thường

Bạn có thể bị thiếu sắt nếu da của bạn nhợt nhạt hơn bình thường. Da nhợt nhạt bất thường là một dấu hiệu khác của việc giảm tuần hoàn máu, có thể xảy ra khi cơ thể bạn không sản xuất đủ hồng cầu do thiếu sắt. Triệu chứng này có thể biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào màu da.

Da nhợt nhạt có thể rõ ràng hơn ở những người có tông da sáng, có thể nhìn thấy trên khắp khuôn mặt. Ở những người có tông da tối hơn, da nhợt nhạt bất thường có thể dễ phát hiện hơn ở bên trong miệng và niêm mạc mắt.

Thường xuyên cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng

Một triệu chứng phổ biến khác của thiếu sắt là chóng mặt hoặc choáng váng. Điều này xảy ra do khi cơ thể bạn thiếu sắt dẫn đến thiếu hồng cầu để mang oxy đến não và các cơ quan khác.

Choáng váng là một triệu chứng khác không đặc hiệu đối với thiếu sắt. Nó có thể chỉ ra một loạt các vấn đề và mức độ nghiêm trọng khác nhau. Hãy xem xét liệu bạn có gặp triệu chứng này kết hợp với các triệu chứng hoặc dấu hiệu thiếu sắt khác hay không.

Tóc và móng yếu hoặc giòn

Móng giòn có thể là một dấu hiệu khác của thiếu sắt. Nếu tình trạng thiếu sắt tiến triển, bạn cũng có thể bị chứng lõm móng tay, một tình trạng móng tay cong vào trong và có các đường gờ nổi lên, tương tự hình dạng chiếc thìa. Lõm móng tay ảnh hưởng đến khoảng 5% số người bị thiếu sắt. Nó có thể xảy ra do bất thường trong lưu lượng máu đến móng và áp lực cơ học khiến các phần bên ngoài của móng mọc lên trên.

Thiếu sắt cũng có thể dẫn đến tóc mỏng và rụng do thiếu dinh dưỡng và lưu lượng máu, điều mà tóc bạn cần để phát triển. Nghiên cứu cho thấy thiếu sắt là nguyên nhân thường gặp gây rụng tóc.

Thèm ăn đá

Thiếu sắt có thể gây ra chứng thèm ăn các chất không bổ dưỡng như đá, đất, gạo sống hoặc giấy. Tại Mỹ, ước tính 25% số người bị thiếu sắt trải qua chứng thèm ăn đá. Triệu chứng này xảy ra thường xuyên nhất ở phụ nữ mang thai hoặc thanh thiếu niên. Không có nguyên nhân nào được biết đến của chứng thèm ăn hoặc lời giải thích tại sao nó thường liên quan đến thiếu sắt.

Nếu bạn gặp phải những triệu chứng này, hãy cân nhắc nói chuyện với chuyên gia y tế. Họ có thể thực hiện xét nghiệm máu để chẩn đoán và đề xuất kế hoạch điều trị.

Để ngăn ngừa hoặc kiểm soát tình trạng thiếu sắt, hãy ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt, chẳng hạn như thịt nạc, rau lá xanh đậm, đậu và ngũ cốc tăng cường sắt.

Mỹ Ý (Theo Health)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022