Một ngày cuối tháng 7, hai nhóm đàn ông đứng trên các mái nhà đối diện nhau ở khu sườn đồi nhìn ra bãi biển Ipanema của thành phố Rio de Janeiro, cất tiếng chế nhạo nhau. Hai phe đang tham gia một trận đấu quyết liệt mà vũ khí được họ sử dụng là những con diều.

Họ thả những con diều lên cao, rồi tìm cách dùng sợi cước sắc bén để cắt dây diều của đối thủ, khiến nó rơi xuống từ giữa trời.

AP24209738588726-5175-1724485327.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3OLTKGqmbJuhMafssuWgFg

Alexander Mattoso da Silva, sĩ quan cảnh sát quân sự, chủ tịch hiệp hội diều thể thao Brazil, thả diều trên mái nhà ở thành phố Rio de Janeiro ngày 27/7. Ảnh: AP

Nhưng trò đấu diều này đã làm dấy lên tranh cãi sau khi gây ra nhiều vụ chấn thương, thậm chí tử vong, khiến quốc hội Brazil đang xem xét dự luật cấm sản xuất, buôn bán và sử dụng loại dây cước diều sắc bén trên toàn quốc. Người vi phạm sẽ đối mặt án tù từ một tới ba năm cùng khoản tiền phạt lớn.

Loại dây diều này đã bị cấm sử dụng tại một số khu vực đông dân ở Brazil, trong đó có Rio de Janeiro, nhưng lệnh cấm dường như không ảnh hưởng tới nhóm đàn ông đang đấu diều trên bầu trời Ipanema. Một số người trong nhóm thậm chí còn là cảnh sát. Họ gọi đây là trò chơi giúp giải tỏa căng thẳng.

"Logic của thả diều là cắt đứt dây diều của người khác", Alexander Mattoso da Silva, sĩ quan cảnh sát quân sự đầy hình xăm trên bắp tay, nói. Anh có biệt danh là Jarro và từng tới Pháp năm 2014 để tranh tài trong một cuộc thi thả diều quốc tế và giành chiến thắng.

"Chúng tôi luôn cố gắng thả diều ở những nơi thích hợp, không gây nguy hiểm cho bất kỳ ai. Không có rủi ro, vì chỗ này diều rơi vào rừng", Jarro nói, chỉ vào cánh rừng rậm rạp cạnh đó.

AP24231624861702-9308-1724485327.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lUIaqrNrca_Q93B_3QAGrg

Leonardo Duraes, nhân viên bảo vệ, cho xem ảnh mặt anh bị dây diều gây thương tích khi đang chạy xe máy ở Rio de Janeiro. Ảnh: AP

Thả diều là truyền thống lâu đời ở Brazil, đặc biệt phổ biến tại các khu ổ chuột ở Rio de Janeiro. Đây là những khu phố nghèo nằm trên sườn đồi ở ngoại ô thành phố, phát triển ngành thủ công làm diều từ tre, giấy lụa.

Đối với nhiều người, diều là ký ức tuổi thơ vui vẻ. Một số người thả diều để cảm nhận sức kéo của gió qua sợi dây vải vô hại. Nhưng khi dùng dây cước, những con diều lớn có thể gây tử vong, đặc biệt khi bay trên những con đường nơi nhiều người chạy xe máy với tốc độ cao.

Trong khi đấu diều được tổ chức an toàn tại các khu vực chỉ định ở Pháp hay Chile thì tại Brazil, việc thả diều không được quản lý đã gây nhiều vụ tai nạn trong những năm qua.

Để đề phòng, nhiều người đi xe máy đã gắn thiết bị giống như ăngten có lưỡi dao cạo ở phía trước để cắt dây diều. Công ty quản lý một trong nhiều xa lộ ở Rio de Janeiro thường xuyên phát thiết bị này cho người đi xe máy.

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp người đi xe máy bị dây diều cắt vào tay chân, thậm chí cứa cổ, khiến một số bang ở Brazil thông qua luật quản lý dây diều, theo công ty tư vấn chính trị Governmental Radar. Dự luật liên bang cấm dây diều sắc bén đã được hạ viện thông qua hồi tháng 2 và đang chờ thượng viện bỏ phiếu.

Hồi tháng 6, Ana Carolina Silva de Silveira đang ngồi sau xe máy thì bị dây diều cứa vào cổ, khiến máu tuôn xối xả. "Tôi tới bệnh viện, hét lên tôi không muốn chết", luật sư 28 tuổi nói. "Tôi thực sự vui vì vẫn sống".

Không có dữ liệu thống kê chính thức về số người bị thương hoặc tử vong do bị dây diều cắt trúng. Tuy nhiên, từ năm 2019, đã có hơn 2.800 báo cáo về sử dụng dây diều trái phép chỉ riêng ở bang Rio de Janeiro, theo Viện MovRio, tổ chức phi lợi nhuận điều hành một đường dây nóng.

Tại Brazil, diều có mặt khắp nơi, thậm chí thả diều còn được công nhận là di sản văn hóa và lịch sử theo luật do hội đồng thành phố Rio de Janeiro thông qua năm 2021. Trò chơi phổ biến tới mức trẻ em gọi kỳ nghỉ hè là "thời gian thả diều", theo Luiz Antonio Simas, nhà sử học văn hóa đại chúng.

Nhiều thập kỷ, trẻ em Brazil nhét đầy mảnh thủy tinh vào tất, đặt trên đường ray xe lửa để bánh xe nghiền nát thành bột. Lũ trẻ trộn bột thủy tinh với keo bôi lên dây diều để biến nó thành vũ khí cắt dây diều đối thủ. Phương pháp thủ công này bây giờ đã được thay thế bằng dây cước.

Mỗi bang ở Brazil lại áp dụng quy định khác nhau về dây cước thả diều. Bang Rio de Janeiro chỉ cho phép sử dụng dây cước thả diều ở một số sân chơi nằm xa nhà cửa, đường sá và đường cao tốc, trong khi một số bang khác cấm hoàn toàn.

Cảnh sát quân sự bang Rio de Janeiro cho hay từ giữa tháng 1 tới tháng 7 đã có 10 người bị bắt vì vi phạm quy định dây cước thả diều của thành phố. Tuần trước, họ đã tịch thu 8 cuộn dây bị nhóm thả diều bỏ lại ở bãi biển Recreio dos Bandeirantes, một điểm thả diều nổi tiếng.

Nhưng nhiều người cho rằng chính quyền có xu hướng làm ngơ trước tình trạng này. Carlos Magno, chủ tịch hiệp hội thả diều Rio de Janeiro, cho hay cảnh sát hiếm khi ngăn chặn người vi phạm quy định về dây diều.

ap24189689313917-1724485035-1127-1724485327.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PLsXeU97a5LmBBtEExNVYw

Một người thả diều bị dây cứa chảy máu tay ở khu ổ chuột Turano tại Rio de Janeiro ngày 7/7. Ảnh: AP

Hồi tháng 7, Magno đã tới thủ đô Brasilia để vận động các nhà lập pháp bãi bỏ dự luật về dây diều đang chờ quốc hội thông qua. Dự luật cho phép tổ chức thi đấu thả diều nhưng không được sử dụng dây cước sắc bén mà ông và nhiều người đam mê thả diều khác cho là nên bảo tồn.

Paulo Telhada, người ủng hộ dự luật, lại cho rằng bất kỳ ngoại lệ nào với những sợi dây diều sắc bén cũng có thể khiến thêm nhiều người tử vong hoặc mất tay chân. "Giữa mạng và thể thao, tôi chọn mạng sống", Telhada nói.

Hồng Hạnh (Theo AP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022