Anna Geller hôm 23/8 đưa cậu con trai 4 tuổi Ariel Geller tới bảo tàng Hecht tại thành phố Haifa. Khi con trai chiêm ngưỡng các hiện vật cổ, Anna đã quay ra hướng khác trong giây lát.

Đột nhiên, một tiếng động lớn vang lên và điều tiếp theo cô nhìn thấy là chiếc bình gốm 3.500 tuổi quý hiếm vỡ thành nhiều mảnh trên sàn nhà, Ariel đứng cạnh đó với vẻ mặt kinh hãi.

"Tôi chỉ phân tâm trong chốc lát thôi", người mẹ ba con đến từ thị trấn Nahariya ở miền bắc Israel, phân trần trong cuộc phỏng vấn đăng ngày 2/9.

Nahariya nằm ngay phía nam biên giới giữa Israel với Lebanon, khu vực thường xuyên bị lực lượng Hezbollah nã rocket trong hơn 10 tháng qua để thể hiện ủng hộ với nhóm vũ trang Hamas ở Dải Gaza. Gia đình Geller đã ghé thăm nhiều viện bảo tàng và đi chơi khắp đất nước trong mùa hè này, nhằm tạm thoát khỏi tình hình căng thẳng ở nơi mình sống.

Chiếc bình gốm từ thời đại đồ đồng do Ariel làm vỡ đã được trưng bày ở bảo tàng Hecht, cơ sở có liên hệ với đại học Haifa, trong 35 năm. Đây là một trong số ít những chiếc bình với kích thước như vậy từ thời kỳ đó còn nguyên vẹn khi được phát hiện. Nó có niên đại năm 2.200-1.500 trước Công nguyên, có thể đã được dùng để đựng rượu hoặc dầu.

Israel-7993-1725372977.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cxJGUGufaMpLEBi_D_s-gA

Chiếc bình 3.500 tuổi bị vỡ tại bảo tàng Hecht hôm 26/8. Ảnh: Bảo tàng Hecht

Ariel là con út của Anna và có tính hiếu kỳ cao. "Tôi cảm thấy rất xấu hổ", Anna nhớ lại, thêm rằng cô đã cố hết sức để trấn an con trai sau khi chiếc bình bị vỡ. "Nó nói mình chỉ muốn xem bên trong chiếc bình có gì".

Alex, chồng Anna, cho biết khi nghe thấy tiếng động lớn ở bảo tàng hôm đó, điều đầu tiên anh nghĩ đến là: "Làm ơn đừng là con mình".

Có rất nhiều trẻ em ở bảo tàng và Alex hy vọng người gây ra sự cố là một đứa bé khác. Sau khi quay lại và nhìn thấy con trai, Alex cảm thấy rất sốc. Anh vội chạy đến chỗ bảo vệ để thông báo, hy vọng rằng đó chỉ là mô hình chứ không phải hiện vật thật. Anh thậm chí còn đề nghị bồi thường.

"Họ gọi điện và báo lại rằng chiếc bình đã được bảo hiểm. Sau khi kiểm tra camera an ninh và xác nhận đó không phải hành động phá hoại, họ mời chúng tôi quay lại bảo tàng để tham quan bù", Alex cho hay.

Inbal Rivlin, giám đốc bảo tàng, cho biết chiếc bình bị vỡ được trưng bày ngoài tủ kính cùng nhiều hiện vật khác, do họ muốn du khách được khám phá lịch sử mà không bị rào cản nào ngăn cách.

Bà nói việc chiếc bình bị vỡ là cơ hội tốt để bảo tàng học cách phục hồi cổ vật, đồng thời khẳng định muốn gia đình Geller, những người đã rút ngắn chuyến tham quan sau khi sự cố xảy ra, cảm thấy được chào đón khi trở lại.

Israel-2-1497-1725372977.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=X2XXK84xI4dWpwwbGrL0nw

Ariel (giữa) cùng bố và mẹ tại bảo tàng Hecht hôm 30/8. Ảnh: AP

Khi gia đình Geller quay lại bảo tàng hôm 30/8, các nhân viên và người phụ trách tỏ ra khoan dung với Ariel. Cậu bé cũng tặng bảo tàng một chiếc bình làm bằng đất sét.

Các chuyên gia đang sử dụng công nghệ 3D và video độ phân giải cao để phục chế chiếc bình. Nó có thể được trưng bày lại sớm nhất là vào tuần tới.

"Mấy đứa lớn của chúng tôi cảm thấy rất thú vị với quy trình và công nghệ họ dùng để phục chế chiếc bình", Alex nói.

Roee Shafir, chuyên gia phục chế tại bảo tàng, cho biết việc sửa chữa khá đơn giản vì các mảnh vỡ đều thuộc về một chiếc bình hoàn chỉnh. Các nhà khảo cổ học thường gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình phục hồi cổ vật, do họ phải sàng lọc các mảnh vỡ từ nhiều đồ vật khác nhau rồi mới ghép chúng lại.

Shafir, người đang cẩn thận ráp lại chiếc bình, cho rằng công chúng cần được tiếp tục tạo điều kiện để tiếp cận các cổ vật ngay cả khi có thể xảy ra sự cố, vì được chạm trực tiếp vào hiện vật sẽ giúp mọi người cảm thấy hứng thú hơn với lịch sử và khảo cổ học.

"Tôi thích mọi người chạm vào chúng, miễn là không làm vỡ", chuyên gia này nói.

Phạm Giang (Theo CNN, AP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022