Thống kê của Sở Y tế TP HCM, phần lớn trẻ tiêm ở các trạm y tế, 77 trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao được tiêm tại bệnh viện. Những ngày qua, thành phố không xảy ra trường hợp phản ứng nặng sau tiêm. Kết quả giám sát của các đoàn kiểm tra cho thấy các điểm tiêm đều đảm bảo an toàn, từ khâu chuẩn bị đến tiêm chủng và xử lý phản ứng sau tiêm.
Đưa con đến tiêm tại Trạm y tế phường 1, quận Phú Nhuận, chị Xuân Thảo bày tỏ niềm vui khi tiêm vaccine trong dịp nghỉ lễ, bởi ngày thường rất khó xin nghỉ làm.
Chị Xuân Thảo đưa con đi tiêm tại trạm y tế phường 1, quận Phú Nhuận. Ảnh: Sở Y tế TP HCM
Dự kiến ngày 3/9, chiến dịch tiêm vaccine sởi tiếp tục được diễn ra với 305 bàn tiêm tại 22 quận huyện, TP Thủ Đức và một bệnh viện tuyến thành phố, với số lượng trẻ dự kiến tiêm là 7.221.
Giai đoạn một của chiến dịch dự kiến kéo dài một tháng, tiêm cho trẻ 1-5 tuổi, trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao 6-16 tuổi, nhân viên y tế, người làm việc tại các cơ sở khám chữa bệnh có nguy cơ tiếp xúc người mắc bệnh sởi hoặc chăm sóc trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao. Những người này chưa tiêm đủ hai mũi hoặc không rõ tiền sử.
Chiến dịch đợt một sử dụng 300.000 liều vaccine sởi - rubella (MR) mua từ nguồn ngân sách của thành phố. Trẻ đi học, đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở nuôi dưỡng, cơ sở bảo trợ xã hội, mái ấm, nhà mở... sẽ được tiêm lưu động tại chỗ từ ngày 5/9. Trẻ không đi học và những trẻ chưa được tiêm tại trường học sẽ ra tiêm tại trạm y tế. Trường hợp trẻ được chỉ định tiêm tại bệnh viện thì sẽ đến các bệnh viện có tổ chức tiêm chủng. Trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao, nhân viên y tế sẽ được tiêm tại bệnh viện nơi điều trị, công tác.
Giai đoạn hai của chiến dịch sẽ diễn ra trong tháng 10, tiêm cho trẻ 6-10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định.
UBND TP HCM công bố dịch sởi từ chiều 27/8, trong bối cảnh số ca mắc tăng nhanh. Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận hơn 430 ca sởi, trong khi từ năm 2021 đến 2023 chỉ có một ca xét nghiệm dương tính.
Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng... Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Trẻ mắc bệnh được điều trị triệu chứng, đa phần tự khỏi. Tuy nhiên, một số nhóm như trẻ suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh... nguy cơ diễn tiến nặng, có thể tử vong. Bệnh sởi cũng làm suy yếu sức đề kháng, khiến trẻ dễ mắc các bệnh khác.
Lê Phương