Reuters cuối tuần trước dẫn 5 nguồn thạo tin gồm ba cựu nhân viên tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và hai tổ chức viện trợ, cho biết 4 kho lương thực của chính phủ Mỹ đã bị tồn đọng kể từ khi chính quyền Trump cắt giảm các chương trình viện trợ quốc tế hồi tháng 1.

Các kho nằm ở Djibouti, Nam Phi, Dubai và Mỹ, ước tính chứa khoảng 60.000-66.000 tấn thực phẩm được sản xuất ở Mỹ, gồm lương khô, dầu thực vật, ngũ cốc, tổng trị giá hơn 98 triệu USD. Cơ quan Hỗ trợ Nhân đạo (BHA) thuộc USAID là đơn vị quản lý các kho này.

Lượng thực phẩm này đủ nuôi sống hơn một triệu người trong ba tháng, hoặc toàn bộ dân số ở Dải Gaza trong hơn một tháng. Hai nguồn tin cho biết 500 tấn lương khô tại nhà kho ở Dubai sẽ hết hạn vào tháng 7, có khả năng bị tiêu hủy hoặc sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.

td33mymns5kebm6kkgfyrxnnue-174-9323-4537-1747617061.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HZ5q_QDqmYfQ7ePatA7uxg

Thực phẩm viện trợ tại kho Edesia Nutrition ở North Kingstown, Rhode Island, Mỹ, ngày 15/5. Ảnh: Reuters

Dù chính quyền Trump đã miễn trừ cho một số chương trình, trong đó có ở Dải Gaza và Sudan, quyết định hủy hợp đồng và đóng băng nguồn tiền thanh toán cho các nhà cung cấp, đơn vị vận chuyển, đã khiến hàng hóa tồn đọng trong 4 kho.

Trả lời yêu cầu bình luận, Bộ Ngoại giao Mỹ, đơn vị giám sát USAID, cho biết đang nỗ lực để đảm bảo các chương trình viện trợ được duy trì liên tục và chuyển giao trước tháng 7 như một phần trong quá trình chấm dứt hoạt động USAID.

"USAID liên tục trao đổi với các đối tác để xác định nơi phân phối hàng hóa trong kho hiệu quả nhất, nhằm phục vụ các chương trình khẩn cấp trước khi hết hạn sử dụng", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói, song không nêu chi tiết hay xác nhận số lượng thực phẩm tồn kho theo thông tin của Reuters.

Mỹ là nhà tài trợ các chương trình viện trợ nhân đạo lớn nhất thế giới, chiếm ít nhất 38% tổng đóng góp được LHQ ghi nhận. Năm 2024, Washington đã giải ngân 61 tỷ USD viện trợ nước ngoài, trong đó hơn 1/2 được phân bổ thông qua USAID.

Mỹ quyết định giải thể USAID và cắt giảm chi tiêu viện trợ nhân đạo quốc tế trong bối cảnh tình trạng đói nghèo gia tăng do xung đột và biến đổi khí hậu. Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), 343 triệu người trên toàn cầu đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.

Đức Trung (Theo Reuters, Washington Post)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022