"Tôi nghĩ lệnh ngừng bắn này sẽ không kéo dài", ông Peyman, 57 tuổi, cư dân ở Shiraz, miền nam Iran, nói hôm 21/7. Shiraz là một trong nhiều thành phố bị tấn công tháng trước khi Israel phát động chiến dịch ném bom chưa từng có vào Iran.
Cuộc tấn công của Israel nhằm vào các cơ sở hạt nhân và căn cứ quân sự trọng yếu, hạ sát các chỉ huy hàng đầu, nhà khoa học hạt nhân, đồng thời tàn phá nghiêm trọng một số khu dân cư.

Hai cô gái trẻ người Iran bên mộ người bạn trong khu đất dành riêng để chôn cất những người thiệt mạng trong cuộc chiến 12 ngày giữa Iran và Israel, tại nghĩa trang Behesht-e Zahra ở phía nam Tehran, Iran, ngày 17/7. Ảnh: AFP
Cuộc giao tranh dài 12 ngày là trận chiến ác liệt nhất trong lịch sử giữa Iran và Israel, kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn công bố ngày 24/6. Có điều, Israel tuyên bố có thể tấn công trở lại nếu Iran tái thiết các cơ sở hạt nhân hoặc thực hiện bất kỳ hành động nào mà Israel coi là đe dọa tới an ninh của đất nước như phát triển bom nguyên tử - cáo buộc mà Tehran luôn phủ nhận. Về phần mình, Iran tuyên bố sẽ đáp trả cứng rắn nếu bị tấn công một lần nữa.
Nỗ lực ngoại giao hạt nhân giữa Iran với Mỹ đang bị đình trệ, khiến cảm giác bất định về tương lai của người dân Iran thêm trầm trọng.
"Tôi sợ chiến tranh sẽ quay lại", ông Hamid, nhân viên chính phủ 54 tuổi, nói. "Sẽ có thêm người vô tội thiệt mạng, cơ sở hạ tầng của đất nước bị phá hủy".
Trong cuộc chiến, Israel đã tấn công các thành phố lớn của Iran, trong đó có thủ đô Tehran, nhắm vào các địa điểm quân sự, các tòa nhà chính phủ và trụ sở đài truyền hình nhà nước. Theo giới chức Iran, hơn 1.000 người đã thiệt mạng. Các cuộc tấn công trả đũa bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran cũng khiến 29 người ở Israel thiệt mạng.
Nhiều cư dân đã rời khỏi Tehran, tìm nơi ẩn náu ở nơi khác dù rất ít khu vực không bị ảnh hưởng bởi khói lửa chiến tranh.
"Cuộc chiến này thực sự khiến tôi khiếp sợ", bà Golandam Babaei, 78 tuổi, ở tỉnh Kermanshah, nói.
Bà đã sống qua cuộc chiến Iran - Iraq những năm 1980, ký ức đau buồn đối với nhiều người thuộc thế hệ của bà. "Tôi luôn tự nhủ, lạy Allah, xin đừng để quá khứ lặp lại", bà nói.

Cậu bé 10 tuổi ngày 19/7 đi ngang chân dung của các em nhỏ thiệt mạng một vụ không kích của Israel vào khu dân cư ở Tehran trong cuộc chiến 12 ngày. Ảnh: AFP
Cuộc chiến với Israel, tuy ngắn hơn nhiều và chủ yếu diễn ra dưới hình thức không kích cùng tấn công bằng tên lửa thay vì bộ binh, vẫn gợi lại những ký ức đau thương về cuộc xung đột với Iraq giai đoạn 1980-1988, cướp đi sinh mạng của khoảng 500.000 người ở cả hai phía.
Cuộc chiến đó có sử dụng cả vũ khí hóa học và pháo kích trên tiền tuyến, đã để lại vết sẹo cho người Iran trong thời điểm nền cộng hòa Hồi giáo non trẻ ra đời từ cuộc cách mạng năm 1979.
Kể từ đó, suốt nhiều thập kỷ, Iran luôn tránh để xung đột diễn ra trong lãnh thổ. Nhưng bây giờ, sau cuộc chiến 12 ngày với Israel, một số người Iran cảm thấy an nguy bản thân vô cùng mong manh.
"Tôi cứ nghĩ mãi, tôi không muốn phải chạy trốn lần nữa, chúng tôi không còn nơi nào để đi. Tôi không thể chạy lên núi như ngày xưa", bà Babaei nói.
Đối với Ali Khanzadi, cựu chiến binh 62 tuổi, cuộc xung đột với Israel cho thấy sự thay đổi so với những năm 1980. "Giờ đây, với công nghệ hiện đại, họ có thể giết một đứa trẻ đang ngủ từ xa bằng máy bay không người lái", ông nói.
Trước sự đe dọa và tấn công của Israel, chính quyền Iran nhiều lần kêu gọi đoàn kết dân tộc. Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei cho rằng cuộc tấn công nhằm lật đổ chế độ giáo sĩ của nền cộng hòa Hồi giáo. Ông kêu gọi các nhà ngoại giao và quan chức quân sự Iran hành động "cẩn trọng và chính xác" khi đất nước đang bước đi một cách thận trọng.
Tehran vẫn để ngỏ khả năng ngoại giao hạt nhân với Mỹ, nhưng giới chức quan ngại có thể xảy ra những vụ tấn công mới và yêu cầu Mỹ đưa ra đảm bảo để nối lại đàm phán. Những người dân Iran bình thường có chung nỗi lo này.
"Tôi hy vọng xung đột sẽ không bùng phát trở lại", ông Hamid bày tỏ.
"Tôi cầu nguyện cho hòa bình, cho chúng tôi được an toàn trong chính ngôi nhà của mình", bà Babaei nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)