Ba nguyên đơn đầu tuần này đệ đơn kiện lên tòa án Tokyo với cáo buộc cảnh sát Nhật Bản phân biệt đối xử khi thẩm vấn họ chỉ vì màu da, quốc tịch và các yếu tố chủng tộc khác.
Matthew, người chuyển từ Ấn Độ tới Nhật Bản cách đây hơn 20 sau khi kết hôn, cho biết anh liên tục bị cảnh sát chặn lại và thẩm vấn trên đường phố. Đôi khi, anh gặp tình huống này hai lần một ngày. Mọi chuyện trở nên tệ tới mức có lúc anh sợ phải rời khỏi nhà.
Syed Zain, người gốc Pakistan, nghĩ rằng người dân Nhật Bản có quan niệm rằng những người sinh ra ở nước ngoài như anh sẽ phạm tội. "Tôi hợp tác với cảnh sát vì nghĩ rằng đảm bảo an ninh công cộng là điều quan trọng. Song khi chuyện này xảy ra hơn 10 lần, tôi thực sự bắt đầu nghi ngờ", anh nói.
Maurice, một người gốc Mỹ, cho biết anh hy vọng vụ kiện sẽ nâng cao nhận thức của người dân Nhật Bản về vấn đề phân biệt chủng tộc.
Từ trái qua phải: Syed Zain, Maurice và Matthew bên ngoài tòa án Tokyo, Nhật Bản ngày 29/1. Ảnh: AFP
Ba nguyên đơn yêu cầu chính phủ Nhật Bản cùng chính quyền thủ đô Tokyo và tỉnh Aichi bồi thường 3 triệu yên (hơn 20.000 USD) cho mỗi người.
Chính quyền tỉnh Aichi từ chối bình luận về từng trường hợp cụ thể, song cho biết các sĩ quan cảnh sát của họ được đào tạo về "tôn trọng nhân quyền" và cam kết thực hiện nhiệm vụ theo pháp lệnh nhân quyền của tỉnh.
Chính quyền thủ đô Tokyo cũng cho biết họ đã ban hành pháp lệnh nhân quyền vào năm 2019, cung cấp chương trình đào tạo liên quan cho cảnh sát, tiến hành hoạt động giáo dục về tôn trọng nhân quyền của công dân, gồm cả người nước ngoài, cũng như xóa bỏ tình trạng phân biệt chủng tộc.
Những công dân Nhật Bản gốc nước ngoài chiếm khoảng 2,3% dân số quốc gia Đông Á, tỷ lệ thấp nhất trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Người Nhật dùng từ "hafu", có nghĩa là một nửa, để chỉ những người mang nửa dòng máu Nhật Bản. Điều này cho thấy người gốc nước ngoài bị phân biệt ngay cả khi họ là công dân Nhật Bản.
Nhật Bản đã ghi nhận một số tranh cãi liên quan tới những định kiến chủng tộc trong những năm qua. Năm 2019, hãng mì Nissin phải lên tiếng xin lỗi sau khi bị cáo buộc "tẩy trắng" ngôi sao quần vợt Naomi Osaka, con lai Nhật Bản và Haiti. Trong quảng cáo hoạt hình của hãng, Naomi Osaka đã được phác họa thành cô gái có làn da trắng, mái tóc nâu và những nét đặc trưng của người da trắng.
Một cuộc thi sắc đẹp ở Nhật Bản tháng này cũng gây tranh cãi khi trao vương miện "vẻ đẹp đại diện của tất cả phụ nữ Nhật Bản" cho người mẫu gốc Ukraine Karolina Shiino. Nhiều người chỉ trích tranh luận liệu một người không có gốc gác Nhật Bản có thể đại diện cho tiêu chuẩn sắc đẹp của nước này hay không.
Song Shiino, công dân nhập tịch ở Nagoya từ khi 5 tuổi, cho biết cô tự coi mình "hoàn toàn là người Nhật" và muốn được công nhận. "Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên đa dạng, nơi sự đa dạng là điều cần thiết", cô nói.
Thanh Tâm (Theo CNN, NHK, AFP)