Vở Năm này con lớn rồi (Minh Dự viết kịch bản) gửi gắm mong mỏi của cha mẹ đến con cái, mong ước đoàn viên trong ngày xuân. Từ đầu, Quang Lê nhắm vai cho Hoài Linh, Hồng Đào, các tình huống vở diễn được xây dựng phù hợp với nét diễn của hai nghệ sĩ.

Quang-Le-Hat-tren-que-huong-8-4194-7823-1673239291.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bG_NGps5GoL8PZbKjZnvNw

Hoài Linh và Hồng Đào tung hứng trong vở diễn. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Ca sĩ cho biết anh và Hoài Linh vốn thân thiết, khi anh gửi lời mời liền nhận được sự đồng ý. Quang Lê nhớ lại thuở mới vào nghề, đàn anh đã chỉ dạy nhiều điều. Anh nói: "Hồi đó, tôi thường hát theo bản năng. Anh Hoài Linh và một chủ trung tâm ca nhạc sau khi nghe tôi hát chê dở, luyến láy tùm lum. Họ bảo tôi phải nghe Hương Lan hát để học. Thế là tôi tìm đến đàn chị, xin làm học trò".

Trong vở, Hoài Linh hóa thân người phụ nữ bán hàng rong. "Anh Linh trước giờ ít khi diễn chung với chị Hồng Đào. Khi tôi có ý tưởng về màn kết hợp này, mọi người đều hào hứng", Quang Lê nói.

Ngày ghi hình, Hồng Đào cho biết những tràng pháo tay của khán giả giúp chị và bạn diễn thăng hoa trên sân khấu, diễn hay hơn lúc tập.

Quang Lê đầu tư kinh phí ba tỷ đồng cho show diễn, ghi hình ở TP HCM. Anh chọn chủ đề Xuân tao ngộ, với ý nghĩa sum vầy, đoàn viên. Trải qua tám mùa thực hiện Xuân trên quê hương, Quang Lê áp lực khi phải lên nội dung mới mẻ, để khán giả không nhàm chán.

Quang-Le-Hat-tren-que-huong-8-8775-1209-1673239291.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OBHqfXElcn2xBUjP_6fFYg

Quang Lê, Mai Thiên Vân song ca ở "Hát trên quê hương 8". Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Anh mời dàn sao gồm Hương Lan, Minh Tuyết, Ngọc Sơn, Nguyễn Hồng Nhung, Phương Mỹ Chi, Dương Ngọc Thái, Dương Hồng Loan, Quỳnh Trang (con nuôi Phi Nhung), Tố My, Lâm Vũ, Quách Tuấn Du, Lona Kiều Loan... góp giọng.

Sân khấu có những tiết mục đánh dấu sự kết hợp lần đầu giữa các giọng ca. Nguyễn Hồng Nhung, Minh Tuyết, Mai Thiên Vân hát nhạc phẩm Như hoa mùa xuân (Châu Đăng Khoa) do Quang Lê lên ý tưởng và dàn dựng. Phương Mỹ Chi thỏa mong ước song ca với thần tượng - ca sĩ Mai Thiên Vân - qua nhạc phẩm Ru nắng (Trầm Tử Thiêng). Dù không có nhiều thời gian tập dượt do lịch trình cuối năm bận rộn, cả hai vẫn có màn hòa giọng ăn ý. Phương Mỹ Chi nói: "Tôi xúc động như muốn khóc vì đã chờ đợi ba năm mới có cơ hội này".

Quang-Le-Hat-tren-que-huong-8-2311-6790-1673239291.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FFC_F9b5278goXQcxlXxsg

Không khí xuân rộn ràng ở show diễn do Quang Lê đầu tư sản xuất. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Quang Lê hát các nhạc phẩm nổi tiếng về mùa xuân. Anh còn song ca với Mai Thiên Vân các ca khúc Đường tím bằng lăng (Hoài Yên), Thiệp hồng anh viết tên em (Song Ngọc & Hoài Linh)...

Giọng ca Xuân này con không về nói anh đặt tâm huyết với show diễn nhiều năm qua bởi thích không khí Tết, muốn tặng khán giả phút giây thư giãn. Quang Lê nhớ nhất Tết ngày thơ bé, thường được ba mẹ dẫn đi may quần áo mới. "Hồi xưa một năm nhà tôi đi may đồ một lần, giữ kỹ đến mùng 1 mới đem ra mặc".

Ca sĩ cho biết dịp Tết thường bị nhiều người hỏi chuyện vợ con. Anh không chạnh lòng khi đã ngoài 40 vẫn chưa lập gia đình. Quang Lê nói: "Tôi không hình dung cuộc sống của mình sau khi kết hôn sẽ ra sao. Tính tôi xưa nay không thể ngồi yên một chỗ, Tết đến thì chạy show, vẫn thích tụ tập bạn bè. Ai làm bạn gái của tôi chắc sẽ khổ, không chịu được thói quen đó. Nghệ sĩ như tôi thường nhận được nhiều tình cảm của khán giả nên ít khi thấy cô đơn".

Quang Lê sinh năm 1979 ở Huế, sang Mỹ định cư từ nhỏ. Anh nổi tiếng khi hát cho một trung tâm ca nhạc ở hải ngoại và ghi dấu ấn với các ca khúc Sương trắng miền quê ngoại (Đinh Miên Vũ), Cô hàng xóm (Lê Minh Bằng), Đập vỡ cây đàn (Lê Mộng Bảo), Đôi mắt người xưa (Ngân Giang)... Từ năm 2010, anh thường xuyên về Việt Nam biểu diễn. Năm 2017, anh là một trong bốn huấn luyện viên của chương trình Thần tượng Bolero mùa hai. Giữa tháng 9/2022, anh thực hiện liveshow Hát với người tình ởTP HCM.

Tân Cao

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022